Ngay khi đoạn đường 600m vừa được thảm nhựa giai đoạn 1 (thuộc gói thầu CT3-PW-2.5, đường nối Cách Mạng Tháng Tám đến đường tỉnh 918 – Dự án 3, phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị), người dân bắt đầu đặt nghi vấn về cao trình thi công không đạt theo hồ sơ thiết kế.
Cụ thể, người dân cho rằng chỉ nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy cao trình của đoạn đường mới này chỉ xấp xỉ với mặt đường Cách Mạng Tháng Tám hiện hữu. Trong khi đó, đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn này thường ngập sâu mỗi khi thủy triều lên. Đáng nói, đoạn đường này ngoài chức năng là đường giao thông còn là tuyến đê bao quan trọng bảo vệ hàng ngàn hộ dân trong vùng lõi đô thị TP Cần Thơ trước áp lực của triều cường từ sông Hậu.
Đầu tháng 4-2021, UBND TP Cần Thơ đã có chỉ đạo Ban quản lý Dự án ODA Cần Thơ (đơn vị chủ đầu tư) tiến hành kiểm tra cao trình 600 đường tại gói thầu CT3-PW-2.5 theo phản ánh của người dân. Ngoài ra, nhằm đảm bảo khách quan, UBND TP Cần Thơ còn yêu cầu thuê thêm đơn vị độc lập để kiểm tra.
Đến đầu tháng 5-2021, Ban quản lý Dự án ODA Cần Thơ công bố kết quả kiểm tra (số 644/BC-BQL) cho rằng: “Cao độ đạt yêu cầu theo bản vẽ thiết kế thi công được phê duyệt”.
Thế nhưng, bất ngờ tại một báo cáo khác (số 573/BC-BQL), Ban quản lý Dự án ODA Cần Thơ lại cho kết quả mốc cao độ GPS-08 do đơn vị thi công sử dụng có giá trị thấp hơn cao độ Quốc gia là 0.537cm, tương ứng với cao trình gói thầu CT3-PW-2.5 thấp hơn nửa mét so với hồ sơ thiết kế được duyệt.
Đứng trước 2 kết quả kiểm tra hoàn toàn khác nhau, người dân bắt đầu hoài nghi về tính minh bạch, khách quan trong công tác kiểm tra tại gói thầu này.
Đến tháng 6-2021, Ban Quản lý ODA Cần Thơ tiếp tục thuê thêm 1 đơn vị (đơn vị thứ 3) là Phân viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải phía Nam, để tiến hành kiểm tra cao trình gói thầu CT3-PW-2.5.
Giải thích cho lần thuê này, ông Bùi Thái Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý ODA Cần Thơ cho biết: “Mình không thể thuê đơn vị ở ngoài, mà phải thuê đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước...".
Trong khi đó, đơn vị được thuê để đo đạc kiểm tra trước đó là Công ty TNHH TCT-MAP, tại báo cáo 573 nêu rõ: “Để có cơ sở kiểm chứng cao độ thực tế mốc GPS-08, Ban quản lý dự án đã thuê đơn vị tư vấn độc lập (có chức năng pháp lý về đo đạc lập bản đồ theo quy định) để thực hiện đo đạc thực tế mốc GPS-08 so với mốc cao độ Quốc gia tại khu vực TP Cần Thơ”.
Rõ ràng, chính Ban Quản lý ODA Cần Thơ đã xác định đơn vị TCT-MAP có chức năng pháp lý về đo đạc thì sao lại phải thuê thêm đơn vị thứ 3? Chi phí đo đạc này ai sẽ phải chịu?
Ban Quản lý ODA Cần Thơ là đơn vị được UBND TP Cần Thơ giao trọng trách chủ đầu tư của nhiều dự án trọng điểm, với tổng vốn đầu tư lớn. Thế nhưng, chỉ việc kiểm tra cao trình của 600m đường lại tỏ ra khá nhùng nhằn và nhiêu khê, không khiến người dân nghi ngờ về năng lực quản lý, điều hành của Ban này.