Thay đổi chiến lược kinh doanh
Trong tháng 10 và tháng 11, hàng loạt kênh truyền hình quốc tế được người xem Việt Nam yêu thích đã “biến mất” trên các gói dịch vụ truyền hình trả tiền, như: National Geographic, Nat Geo Wild, các kênh chuyên về nội dung khoa học, khám phá, thiên nhiên... Kênh hoạt hình Baby TV cũng ngừng phát sóng ở Việt Nam. Cả 3 kênh trên đều thuộc sở hữu của The Walt Disney Company Đông Nam Á và phân phối tại Việt Nam qua Công ty MSky trên nhiều dịch vụ truyền hình trả tiền như FPT Play, TV360, ClipTV, VTC... Tháng 11-2023, Amazon Prime cũng ngừng cung cấp dịch vụ video tại Việt Nam.
Trước đó, 12 kênh truyền hình thuộc quyền sở hữu của Disney Networks Group Asia Pacific Limited, trong đó có nhiều kênh phim truyện, thể thao, hoạt hình như Fox Movies, Fox Sports, Disney Channel và Disney Junior… cùng với 2 kênh truyền hình thuộc quyền sở hữu của Buena Vista International Inc (BVII) cũng ngừng phát sóng tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ về lo lắng này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, một số hãng điện ảnh, kinh doanh nội dung giải trí của thế giới, trong đó có Disney, nhận định, tương lai không nằm ở truyền hình truyền thống mà thuộc về dịch vụ video theo yêu cầu. Từ khi ra dịch vụ Disney Plus, Disney bắt đầu dồn tất cả cho ứng dụng, với thông điệp trong lễ ra mắt là “Goodbye cable TV”.
Dịch vụ video theo yêu cầu Disney Plus hiện chưa cung cấp ở Việt Nam. Amazon Prime cùng một số dịch vụ khác đã có ở Việt Nam nhưng họ chọn tuân thủ theo Điều 21 của Luật Điện ảnh về việc phổ biến phim trên không gian mạng. Để không phải cùng lúc đáp ứng cả Luật Điện ảnh và các quy định về phát thanh truyền hình, các doanh nghiệp này bỏ những chương trình không phải là phim ra khỏi nền tảng. Đây là sự chuyển hướng trong hoạt động, chứ Amazon Prime vẫn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Nhiều gia đình Việt giải trí với các chương trình truyền hình quốc tế. Ảnh: QUANG PHÚC |
Ngăn chặn website lậu thừa cơ lộng hành
Theo Bộ TT-TT, dù việc rút khỏi thị trường truyền hình cáp trả tiền ở Việt Nam là do thay đổi định hướng kinh doanh của chính các kênh trên, nhưng điều này cũng nảy sinh nhiều lo ngại rằng khoảng trống mà các kênh này để lại sẽ là cơ hội cho các website lậu, vi phạm bản quyền, thu lợi bất chính lộng hành khi mà nhu cầu được xem thể thao, xem phim, nghe nhạc… của người dân là rất lớn.
Theo bà Phạm Thanh Thủy, Trưởng phòng Chống vi phạm bản quyền của Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV/K+), thống kê từ Similar Web cho thấy, tại Việt Nam, có hơn 200 trang web bóng đá lậu với 1,5 tỷ lượt truy cập trong năm 2022, 200 web phim lậu với 120 triệu lượt xem mỗi tháng. 75% web bóng đá lậu gắn quảng cáo độc hại và 97% các quảng cáo này chứa nội dung độc hại như cá độ, virus, nội dung người lớn và lừa đảo…
Bà Tô Nam Phương, Trưởng ban Quan hệ đối ngoại - Công ty CP Viễn thông FPT, công ty đang giữ bản quyền phát sóng các trận đấu bóng đá giải UEFA Champions League (C1), nhưng khi phát một trận đấu giữa đêm thì chỉ có vài trăm ngàn người xem, trong khi một kênh YouTube lậu có tới 1 triệu người xem.
“Có tình trạng khi ngăn chặn website lậu, các kênh này liền đổi địa chỉ IP, đổi tên miền nhanh chóng, chỉ mất 5-10 phút. Đây là cuộc chiến vô cùng cam go”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH-TTĐT), chia sẻ. Trong số những website kể trên, vi phạm trắng trợn nhất là Xôi Lạc TV, với 20 tên miền khác nhau. Trong trận cầu “đinh” giữa Chelsea và Liverpool ở giải Ngoại hạng Anh, có tới 140.000 lượt xem trên các website của Xôi Lạc TV.
Nhiều kênh truyền hình quốc tế đã rút khỏi Việt Nam |
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, bộ đã thống nhất thành lập đội chuyên trách về vấn đề bản quyền với sự tham gia của Bộ VH-TT-DL và Bộ Công an. Vấn đề vi phạm bản quyền gắn với tội phạm có tổ chức, chẳng hạn kênh Xôi Lạc TV thời gian qua, không đơn giản chỉ là hình thức livestream lên mạng mà còn gắn với tội phạm lừa đảo trực tuyến, cờ bạc trực tuyến, cho vay nặng lãi để cá cược bóng đá. Các nhà mạng viễn thông cũng cần tham gia lực lượng này để hỗ trợ trong việc thực hiện các thống kê vi phạm, dùng các công nghệ đo kiểm, rà quét và phát hiện nhanh các vi phạm bản quyền. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông hướng dẫn người dùng không xem các chương trình vi phạm bản quyền.
Theo báo cáo của Bộ TT-TT, tính đến tháng 10, số thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam đạt 18,7 triệu, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu truyền hình trả tiền tính đến quý 3-2023 đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2022.
Trước tình trạng nhiều kênh truyền hình quốc tế rút khỏi thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam, lãnh đạo Bộ TT-TT cũng đã yêu cầu Cục PTTH-TTĐT rà soát, đề nghị các công ty đang cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền, báo cáo về phương án đảm bảo quyền lợi khách hàng. Dưới cái nhìn tích cực thì việc rút đi của các kênh truyền hình quốc tế cũng là cơ hội để cho các kênh truyền hình trong nước có thêm khách hàng. Bên cạnh đó, nếu người dân tiếp tục ủng hộ các website lậu, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chính thống sẽ không mua nội dung bản quyền với chi phí cao nữa - điều từng xảy ra trong quá khứ. Khi đó, người dân cũng sẽ bị thiệt thòi.