Trong tác phẩm vừa ra mắt Con chim xanh biếc bay về (NXB Trẻ ấn hành), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tạm xa làng Đo Đo - bối cảnh trong hầu hết tác phẩm của ông trong gần 20 năm qua, để trở lại với Sài Gòn - TPHCM, nơi ông đã có hơn 40 năm gắn bó. Mặc dù bối cảnh chính của truyện diễn ra trong một quán ăn nhỏ, nhưng chúng tôi đã bắt gặp trong tác phẩm mới này những không gian quen thuộc, gắn liền với Sài Gòn - TPHCM, như khu chung cư cũ hay những ngôi chợ nổi tiếng của thành phố (chợ Bà Hoa, chợ Bến Thành, chợ Hòa Bình, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ An Đông…).
Không chỉ thay đổi về bối cảnh, các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng có sự trưởng thành hơn, không còn là những cô, cậu tuổi mới lớn đầy mơ mộng. Ông tập trung khắc họa các nhân vật của mình trong giai đoạn bắt đầu bước chân vào đời với Sâm, Khuê, Lương, Quyền… Ngoài những người trẻ này ra, trong tác phẩm còn xuất hiện rất nhiều những cô, những dì, những chú ở các khu chợ. Tất cả đều là dân tứ xứ đổ về Sài Gòn - TPHCM học tập rồi sinh sống, làm việc. Điều này như một lần nữa khẳng định sự bao dung, cởi mở, khoan hòa, không phân biệt vùng miền mà thành phố đang từng ngày để lại ấn tượng sâu đậm, mà bản thân tôi, một người xa xứ lập nghiệp ở nơi này cũng có thể cảm nhận được.
Viết về những người trẻ, như một lẽ đương nhiên, hầu như tác giả nào cũng thường khai thác câu chuyện tình yêu với những cung bậc, sắc màu khác nhau. Nhưng với Con chim xanh biếc bay về, có lẽ điều mà Nguyễn Nhật Ánh muốn gửi gắm nhiều hơn một câu chuyện tình. Ẩn đằng sau câu chuyện tình có vẻ rối rắm giữa Sâm - Khuê - Quyền, lại là những cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn. Đã có những thất bại, những điều không như ý, nhưng tận sâu trong họ vẫn luôn khát khao mãnh liệt về một ngày mai tươi sáng. Họ hiểu được rằng, Sài Gòn - TPHCM luôn bao dung nhưng cũng lại là nơi sàng lọc vô cùng lớn. Họ cũng hiểu rằng: “Để kiếm được việc làm như ý và trụ lại lâu dài ở thành phố này, con người ta phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với khi sinh sống ở những nơi khác”. Điều đáng quý nhất ở những người trẻ kia, cho dù cuộc sống đầy bất trắc, kham khổ như thế nào, nhưng bản tính thiện lương vẫn không bị xói mòn. Điển hình là nhân vật Sâm, người được mệnh danh là “người đàn ông có bộ mặt không biết cười”, cũng đang phải đau đầu với hành trình khởi nghiệp của mình, nhưng lại cất giấu một trái tim ấm áp, bao dung, luôn nghĩ đến tha nhân.
Đặc biệt, điều mà chúng tôi dễ nhận thấy trong Con chim xanh biếc bay về, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã khéo léo khai thác một câu chuyện, như một điển hình cho sự trớ trêu của số phận. Đó là trường hợp trao nhầm con ở bệnh viện, mà báo chí đã từng phản ánh trước đây. Lâu nay, những câu chuyện từ báo chí vẫn luôn là chất liệu và đề tài cho văn chương, vốn dĩ không phải là chuyện gì mới lạ nhưng thuyết phục bạn đọc ở mức nào, lại tùy thuộc vào tài năng của mỗi người cầm bút. Với Con chim xanh biếc bay về, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho thấy biệt tài kể và dẫn dắt câu chuyện của mình. Không những đủ duyên dáng, hóm hỉnh mà ông còn cho thấy một lối kể đầy sáng tạo, hấp dẫn và bất ngờ. Đây có lẽ là điều khiến những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn được đông đảo độc giả như chúng tôi trông chờ.