Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, lượng ô tô ở TPHCM tăng liên tục và kéo theo đó là nhu cầu đậu xe lên rất cao. Thế nhưng, đã hơn 10 năm nay, kể từ khi TPHCM có chủ trương xã hội hóa kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này, vẫn chưa có một bãi đậu xe ngầm nào được hình thành từ đây.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện diện tích bến bãi đậu xe được xây dựng mới chỉ đạt chưa tới 10% so với diện tích bến bãi được quy hoạch trong quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 với diện tích cụ thể hơn 70ha…
Một tầng đậu xe tại bãi xe 326 Võ Văn Kiệt, quận 1, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tại sao vậy? Tất cả bắt nguồn từ việc một thời gian dài quy định giá giữ xe là… phí. Và phí như thế nào phải do HĐND TPHCM xem xét thông qua. Ở góc độ đầu tư, một nhà đầu tư (xin giấu tên) đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP rằng: “Bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng xây dựng bãi đậu xe ngầm mà lại không được chủ động quyết định giá (phí) giữ xe, không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm”.
Đến năm 2015, Luật Phí và lệ phí mới được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017), có sự thay đổi. Đó là chuyển phí giữ xe thành giá dịch vụ giữ xe do Nhà nước quy định.
Căn cứ luật này, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 6888 ngày 30-12-2016 về giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn thành phố. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đây là bước mở quan trọng cho hoạt động đầu tư xây dựng bãi đậu xe, thế nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn bởi việc “trở bộ” của nhiều cơ quan nhà nước thường rất chậm so với chuyển động của thị trường.
Đã mấy năm nay, giá giữ xe ở nhiều nơi do nhà nước quy định vẫn giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể. Trong khi đó, giá nhiều loại vật liệu xây dựng, mức lương, thưởng cho nhân viên… đã tăng đến mấy chục phần trăm.
Chưa kể, giữ xe là một hoạt động không tác động lớn đến cuộc sống người dân như nhiều hoạt động khác: sản xuất chế biến thực phẩm… tại sao Nhà nước phải quản lý?
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị, nhiều thành phố trên thế giới điều hành rất linh hoạt giá trông giữ xe. Họ xem đây là một trong những công cụ kinh tế để điều tiết lượng xe cá nhân vào khu trung tâm - nơi thường xảy ra hiện tượng ùn ứ, thậm chí kẹt xe bằng cách đưa giá giữ xe cao.
Việc đầu tư xây dựng theo hình thức BOT nhiều công trình cầu, đường ở TPHCM thời gian qua cũng ít nhiều gặp khó do lấn cấn “phí” và “giá”.
Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, thường sau khi HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, UBND TPHCM sẽ trực tiếp thương thảo và ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư.
Và khi công trình hoàn thành, dựa vào dự toán ban đầu, cập nhật với những chi phí phát sinh trong quá trình thi công, các sở ngành liên quan như Tài chính, Giao thông Vận tải… và chủ đầu tư sẽ xây dựng mức thu phí hoàn vốn. Vì là phí nên mức phí này sẽ chỉ được áp dụng khi được HĐND TPHCM thông qua.
Nhiều chủ đầu tư chia sẻ, vẫn biết quy định mức phí bao nhiêu phải được HĐND TPHCM nhất trí là để quyền lợi của người dân được đảm bảo, song cũng làm cho họ “hồi hộp”.