Theo báo cáo, TP Thủ Đức hiện có khoảng hơn 168.800 trẻ em độ tuổi từ 0-17 tuổi, trong đó, có 1.688 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 4.334 trẻ thuộc diện khó khăn. Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy TPHCM về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, Ban Thường vụ ba quận 2, 9, Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức) đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. TP Thủ Đức cũng xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện quyền trẻ em, các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát các biện pháp đảm bảo môi trường sống an toàn, phòng ngừa bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em và tai nạn thương tích, đặc biệt tai nạn đuối nước trẻ em, biện pháp phòng ngừa, ứng phó để bảo vệ trẻ em kịp thời.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về quyền công dân đối với trẻ em được tập trung hơn trước đây. Công tác cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ sở công lập được thực hiện tốt. Mạng lưới ngành y tế từ TP Thủ Đức đến cơ sở đáp ứng cơ bản yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng. Chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được mạng lưới Trạm y tế phường duy trì thường xuyên; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thấp còi giảm nhanh; kiểm soát tốt tình trạng thừa cân béo phì trong trẻ em.
TP Thủ Đức cũng đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các hoạt động vui chơi giải trí dành cho trẻ em. Trong đó, TP Thủ Đức có nhiều chương trình hỗ trợ trẻ em là con các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình dân tộc thiểu số; trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đồng thời quan tâm bảo trợ trẻ em lang thang dưới nhiều hình thức.
Ngoài ra, mỗi năm, lãnh đạo ba quận (cũ) và lãnh đạo phường tổ chức diễn đàn gặp gỡ thiếu nhi để lắng nghe tâm tư nguyện vọng và các kiến nghị, đề xuất của thanh thiếu niên trên địa bàn để chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời giải quyết và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em.
UBND TP Thủ Đức phối hợp các ban, ngành, UBND các phường rà soát số lượng trẻ em mồi côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị bạo hành để có kế hoạch hỗ trợ đột xuất và trợ cấp đến đủ 18 tuổi. Hiện TP Thủ Đức có 159 trẻ em mồ côi cần được chăm lo. Công an TP Thủ Đức cũng chú trọng rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em còn tồn đọng.
Dù vậy, TP Thủ Đức có quá trình đô thị hóa nhanh, số lượng dân nhập cư đông, dân số biến động nhiều nên việc quản lý cập nhật tình hình trẻ em trên địa bàn chưa chặt chẽ, dẫn đến việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa cao. Mặt khác, các bậc phụ huynh chỉ tập trung lo kinh tế gia đình nên việc quản lý trẻ thường giao cho người thân, người giúp việc nên tình trạng trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục và các tệ nạn xã hội khác vẫn còn xảy ra.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Thủ Đức, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức Nguyễn Phước Hưng yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể và 34 phường trên địa bàn tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, bố trí quỹ đất để xây dựng các điểm, khu vui chơi, học tập cho trẻ em, nhất là ở khu vực còn khó khăn, đông công nhân lao động sinh sống.
Cùng với đó, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích, động viên trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó trong học tập và cuộc sống. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Trước mắt, cấp ủy các cấp và các địa phương phải rà soát, nắm bắt những trường hợp trẻ em không đến trường để có phương án hỗ trợ kịp thời trong thời điểm sắp bước vào năm học mới, với phương châm tất cả trẻ đến tuổi đi học đều được đến trường.