Nhiều hệ thống siêu thị giảm giá sâu hàng hóa thiết yếu
SGGP
Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng ứng phó với diễn biến dịch Covid-19, nhiều hệ thống siêu thị đã thực hiện các chính sách giảm giá sâu nhiều hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu. Còn về phía các doanh nghiệp (DN) thì nâng công suất sản xuất, kết hợp tăng tỷ lệ hàng dự trữ, để tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ trong trường hợp người dân có nhu cầu tiêu dùng cao.
Giảm giá để kích cầu và bình ổn thị trường
Đại diện Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho biết, hiện đang có những thay đổi trong cách thức tiêu dùng của người dân. Theo đó, nhiều người dân chọn cách đi siêu thị mua một lần cho cả tuần để hạn chế việc phải ra đường. Do vậy, có những thời điểm, trên quầy kệ tại các hệ thống phân phối như siêu thị, chợ bị hết hàng, tập trung chủ yếu vào một số loại thực phẩm chế biến như cá nục, pate, gà ác, cháo gói, thực phẩm đông lạnh đóng gói, trứng, rau củ quả... Lợi dụng tâm lý lo ngại của người tiêu dùng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và chưa biết thời điểm kết thúc, nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống đã tự ý tăng giá nhiều mặt hàng như mì gói, gia vị, thực phẩm thiết yếu và nông thủy hải sản các loại…
Trước thực tế đó, nhiều siêu thị đã thực hiện chương trình giảm giá sâu, tập trung mạnh vào những hàng hóa thiết yếu để tạo tâm lý an tâm tiêu dùng cho người dân. Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), từ nay đến ngày 11-3-2020, hơn 100 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra sẽ giảm giá luân phiên nhiều mặt hàng thực phẩm, từ thực phẩm tươi sống như rau củ quả đến các thực phẩm đóng gói, thực phẩm khô, bánh kẹo, sữa, dầu ăn, gia vị, mì nui, gạo, cá hộp...
Cụ thể, khách hàng mua các loại trái cây như nho đen không hạt xuất xứ từ Nam Phi, đu đủ vàng, dưa hấu loại 1, bưởi da xanh, táo organic Juliet (táo hữu cơ), cam Ai Cập... sẽ được giảm giá 15%. Khi mua các loại rau củ gồm bắp cải trắng, cà rốt và khổ qua sẽ được giảm giá 20%. Nhiều loại thịt cá cũng được giảm giá khá mạnh trong dịp này như chân, bắp, giò heo giảm giá 15%, tôm thẻ chân trắng giảm 15%, cá basa tẩm ướt sẵn giảm 15%, tôm ram thịt nấu sẵn giảm 15%...
Cũng tham gia trong chương trình khuyến mãi giảm giá cùng các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra đợt này, nhiều công ty kinh doanh trứng gia cầm và thực phẩm gia cầm chế biến cũng thực hiện giảm mạnh giá các loại sản phẩm, bao gồm: trứng vịt muối thương hiệu Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt giảm 10%; chân gà giảm 10%; chà bông gà giảm 15%, chân gà hấp hành nấu sẵn giảm 15%...
Đảm bảo đủ nguồn hàng thiết yếu
Ở góc độ sản xuất, đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) nhấn mạnh, hiện mặt hàng thịt heo cung ứng ra thị trường không có dấu hiệu sụt giảm. Đối với sản phẩm thực phẩm chế biến, các DN đều khẳng định sản lượng đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 2-2020. Đơn cử tại Vissan, nguồn hàng thực phẩm chế biến chiếm 1/2 tỷ trọng sản xuất của công ty, hiện nguyên liệu dự trữ cho sản xuất đủ dùng đến tháng 3-2021, do đó giá thành sản phẩm sẽ luôn được đảm bảo. Riêng với thực phẩm tươi sống, từ tết đến nay do học sinh nghỉ nhiều và Nghị định 100 quy định cấm lái xe khi uống rượu bia dẫn đến các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn đều không đặt hàng, khiến sản lượng bán ra giảm 25% so với mọi năm.
Còn đối với mặt hàng gia cầm (thịt gà, thịt vịt), sản lượng cung ứng ra thị trường tăng gấp 2 - 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ mọi năm. Nhiều DN có chính sách giảm giá 2% - 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch và đảm bảo nguồn hàng dự trữ không thiếu, cũng như giá cả ổn định. Với mặt hàng rau củ quả, sản lượng tiêu thụ và giá cả tại thị trường có dấu hiệu tăng rõ rệt. Ghi nhận giá thu mua rau tại các vườn Đà Lạt trong tháng 2 vừa qua cho thấy, các loại nông sản này đồng loạt tăng giá 2 - 3 lần trong 10 ngày trở lại đây. Riêng nhóm lương thực chỉ tăng trưởng nhẹ và giá gạo trong nước tạm thời vẫn giữ ở mức giá ổn định. Các DN cho biết, sản lượng gạo dự trữ dảm bảo cung ứng đủ trong 6 tháng tới và giá không có biến động lớn.
Đồng quan điểm trên, nhiều DN uy tín trong ngành đều khẳng định khối lượng hàng hóa đối với các nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến đều đảm bảo đủ cung ứng cho người dân thành phố tiêu thụ trong vài tháng tới và không có hiện tượng tăng giá bán. Không chỉ vậy, mặc dù gặp khá nhiều khó khăn nhưng các DN ngành lương thực thực phẩm đã rất tích cực trong việc điều chỉnh giá bán để đảm bảo doanh số bán hàng, duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, cũng như thực hiện chính sách bình ổn giá thị trường, tạo sự an tâm trong người tiêu dùng. Vấn đề là người tiêu dùng nên bình tĩnh và lựa chọn những kênh phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao mà chất lượng thiếu đảm bảo.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, khẳng định các hệ thống bán lẻ Saigon Co.op kiên quyết nói không với những đề nghị tăng giá bất hợp lý để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường. Ông Đức cũng nhấn mạnh, lượng hàng dự trữ tại kho của đơn vị cũng như hàng tồn kho các DN cung ứng cho Saigon Co.op còn quá nhiều. Do vậy, việc giảm giá sâu hàng hóa nhằm tăng kích cầu tiêu dùng và quan trọng hơn, góp phần giúp các DN giảm lượng hàng tồn kho.