Dự án Thủy điện Đắk Bla 3 (xây dựng tại 2 xã Đắk Rơ Wa và Đắk Bla, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đang trong giai đoạn khảo sát, chưa được cấp chủ trương đầu tư thì bị người dân làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu (xã Đắk Rơ Wa) phản đối. Mới đây, Sở Công thương Kon Tum cùng các sở, ngành địa phương đến nhà rông thôn Kon Kơ Tu đối thoại với người dân vùng dự án. Tại buổi đối thoại, người dân thôn Kon Kơ Tu nêu lo ngại rằng, thủy điện xây dựng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, việc đi lại qua sông để sản xuất, vấn đề môi trường và an toàn của người dân.
Theo báo cáo đối thoại, tham vấn của Sở Công thương Kon Tum, bên cạnh mặt tích cực, dự án khi triển khai sẽ làm mất đi cảnh quan hoang sơ; các ghềnh đá, bãi sông sẽ bị ngập trong lòng hồ thủy điện; việc du lịch bằng thuyền độc mộc phần nào bị ảnh hưởng. Dự án khi thi công sẽ tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch tìm đến nơi yên tĩnh.
Ông Nguyễn Thanh Cao (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh) cho rằng, sông Đắk Bla có vai trò quan trọng, bao bọc xung quanh thành phố, tạo cảnh quan đẹp, điều tiết khí hậu cho TP Kon Tum. Đây cũng là nơi sinh sống, là nguồn sống của đồng bào dân tộc nhiều đời ở Kon Tum. Trên sông Đắk Bla trước đã có một thủy điện xây dựng. Thủy điện Đắk Bla 3 là thủy điện nhỏ, nếu xây dựng sẽ phá vỡ cảnh quan, tác động đến môi trường, làm mất đất sản xuất của dân, dòng chảy mùa khô không đảm bảo nên hạ du vào mùa khô sẽ bị cạn kiệt, nguồn lợi từ cá sẽ không còn. Do đó, ông Cao cho rằng, nếu đơn thuần dự án chỉ là xây thủy điện thì không nên làm.
Một nhà nghiên cứu, phát triển thủy điện ở Kon Tum đánh giá rằng, ở góc độ nhà đầu tư, thủy điện này sẽ không mang lại hiệu quả. Lý do bởi diện tích chiếm dụng đất nhiều, lại ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư của TP Kon Tum nói chung và cả làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu nói riêng. Mặc khác, ở thời điểm này, đối với năng lượng tái tạo nói chung và thủy điện nói riêng thì giá mua điện rất thấp.
Dự án Thủy điện Đắk Bla 3 là một điển hình về những bất cập mà thủy điện vừa và nhỏ gây ra. Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt tồn tại trong quy hoạch, quản lý, giám sát và vận hành thủy điện tại Kon Tum. Trong đó, việc phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ chưa quan tâm đúng mức đến ảnh hưởng môi trường, đất rừng. Quy hoạch 81 thủy điện chiếm hơn 1.100ha đất rừng có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư. Mặt khác, năm 2019, UBND tỉnh có văn bản tạm dừng chủ trương khảo sát, lập hồ sơ bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào quy hoạch, nhưng chỉ đạo này chưa được thực hiện triệt để, khi một năm sau vẫn có 26 thủy điện được bổ sung vào quy hoạch.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND tỉnh Kon Tum cần rà soát, điều chỉnh, loại bỏ bớt các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ, tránh nguy cơ xảy ra lũ lụt do thủy điện chiếm đất rừng, làm ảnh hưởng đến môi trường, mất tài nguyên.