Theo đó, cơ quan công an chỉ rõ, hiện nay, trên một số mạng xã hội có nhiều nhóm, trang fanpage đăng tải bài viết có nội dung thu mua bọ xít đen với giá cao không kể số lượng, với lý do thương lái Trung Quốc mua về làm thuốc.
Tuy nhiên, việc mua bán bọ xít đen thông qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: các đối tượng xấu tiến hành mua bán thuận lợi với số lượng nhỏ tạo niềm tin với người dân, sau đó, tăng giá thu mua và yêu cầu cung cấp số lượng lớn để người dân phải thu gom trong thời gian dài; bán lại số lượng bọ xít đã mua từ người dân với giá cao hơn giá mua để thu lợi chênh lệch và ngừng liên lạc với người dân khi họ gom đủ hàng; lừa đảo người dân thu mua bọ xít non giống giá cao để nuôi trưởng thành nhưng không thu mua lại; lừa đặt cọc tiền mua bọ xít đen sau đó chặn liên lạc điện thoại và các tài khoản trên mạng xã hội...
Việc đánh bắt tận diệt hay nuôi bọ xít đen số lượng lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất cân bằng sinh thái môi trường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Thậm chí đây còn là âm mưu phá hoại nền kinh tế của các đối tượng phản động, lưu vong và các thế lực thù địch khác.
Do đó, để tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu, cơ quan công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lôi kéo mua bọ xít đen giá cao; tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để phòng ngừa, ngăn chặn.
Trong khi đó, qua ghi nhận cho thấy, thời gian gần đây, tại một số địa phương ở miền Bắc và miền Trung, nhiều người đang đổ xô đi tìm bắt và thu mua bọ xít đen với giá 350.000 - 400.000 đồng/kg loại tươi để bán cho quán nhậu làm thực phẩm, thậm chí có thương lái thu mua tới 7-8 triệu đồng/kg loại đã phơi khô để làm thuốc.
Trước hiện tượng này, một số chuyên gia y tế cho biết, hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy bọ xít đen hoặc bọ xít xanh có thể làm thực phẩm ăn được.
Đối với ứng dụng làm dược liệu của bọ xít đen, theo GS-TS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, trong tài liệu Đông y có 2 loài bọ xít được dùng làm thuốc chữa bệnh là bọ xít xanh và bọ xít vải. Rất ít tài liệu nói đến bọ xít đen làm thuốc, thực tế là chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy lợi ích điều chế bọ xít đen dùng trong đông y. Do đó, người dân không nên thử sử dụng bất cứ loài côn trùng nào làm thực phẩm, hay thuốc nếu chưa có các nghiên cứu của cơ quan chức năng.
Bọ xít nói chung và bọ xít đen nói riêng là côn trùng có hại cho nông nghiệp. Tuy nhiên, ở mức độ quần thể, chúng lại là mắt xích trong chuỗi thức ăn của một hệ sinh thái nên cần được bảo vệ sự đa dạng sinh học.