Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, án hành chính là loại án “người dân kiện chính quyền và/hoặc người đứng đầu chính quyền”. Bản thân quan hệ này đã hàm chứa sự bất bình đẳng. Công tác giám sát cho thấy, kết quả đạt được nhiều nhưng tồn tại hạn chế cũng không ít.
Dự thảo báo cáo kết quả giám sát cho thấy, trong 3 năm 2015 - 2017 cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến tòa án, chiếm khoảng gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính. Qua xét xử, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tòa án tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần là 1.194. Một số địa phương quyết định bị tuyên hủy chiếm tỷ lệ khá cao như: An Giang 81%, Quảng Nam 55,76%, Hải Dương 31,58%...
Trong triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, thực tế có những địa phương số lượng án hành chính lớn nhưng chủ tịch và người đại diện UBND vẫn bố trí tham gia tố tụng nghiêm túc. Ví dụ như Đồng Tháp, trong 142 vụ, Chủ tịch UBND và người đại diện tham gia 100% phiên đối thoại và 96,5% phiên tòa. Trong khi đó, có những địa phương số lượng án rất ít, nhưng chủ tịch và người đại diện thường xuyên xin vắng, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ: Hải Phòng vắng 17/17 vụ, Bắc Giang vắng 53/56 vụ...
Nhìn chung, tỷ lệ vụ việc chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm 2017 tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện Luật Tố tụng hành chính 2015. Thậm chí, có trường hợp sau khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch UBND tham gia tố tụng, song phó chủ tịch UBND cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.
Khâu thi hành án sau khi bản án có hiệu lực cũng còn nhiều hạn chế. Theo dự thảo báo cáo giám sát, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ cho biết còn 36 bản án, quyết định chưa được chủ tịch UBND và UBND thi hành; gây bức xúc cho người được thi hành án, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Thậm chí, có bản án có hiệu lực từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành. Lý do chưa thi hành án được một số chủ tịch UBND, UBND đưa ra là “không đồng tình với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án và đang kiến nghị tòa án xem lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm”. Song điều này không phù hợp với quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời tiếp tục có biện pháp đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.