Giảm số vụ, nhưng tăng mức độ nghiêm trọng
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 8 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 9.170 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 4.342 người chết và 6.727 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ TNGT giảm 2.161 vụ (giảm 19,07%), số người chết giảm 754 người (giảm 14,8%), số người bị thương giảm 1.860 người (giảm 21,66%). Tuy nhiên, thời gian gần đây lại thường xuyên xuất hiện những vụ tai nạn thương tâm làm nhiều người chết và bị thương cùng lúc. Chẳng hạn như ở Kon Tum, ngày 11-7 xảy ra vụ tai nạn xe làm 6 người chết, 35 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ TNGT xảy ra ngày 26-7 tại Quảng Bình, làm 15 người chết và 22 người bị thương. Tối 15-9, một vụ tai nạn nghiêm trọng ở Phú Thọ cũng đã cướp đi sinh mạng của 3 cô gái trẻ.
Khi lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2, TPHCM), người dân luôn cảm thấy rất bất an, bởi TNGT có thể ập đến bất cứ lúc nào do lượng phương tiện giao thông quá nhiều, lưu thông lộn xộn. Mặc dù ở đây đã lắp đặt nhiều biển cấm xe quá tải, tuy nhiên các “hung thần” vẫn chạy với tốc độ khá nhanh, kể cả khi qua các khu vực đường hẹp (chỉ rộng khoảng 7m), chợ và trường học. Tài xế vừa chạy vừa bóp còi inh ỏi, khiến nhiều người đi đường khiếp vía. Người dân sống khu vực đường Nguyễn Thị Định (quận 2) cũng phản ánh, tầm 4 giờ sáng, khi các xe container từ các đường C, D, A đổ ra đường Nguyễn Thị Định chắn hết đường xe máy đi xuống phà Cát Lái. Các xe máy phải luồn lách trước đầu xe container rất nguy hiểm.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, TNGT tuy có giảm nhưng thiệt hại do TNGT gây ra vẫn còn cao, TNGT do xe đầu kéo và xe chở container gây ra vẫn chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy mô tô tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, có dấu hiệu đua xe và chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra. Tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, vi phạm hành lang đường bộ, đường sắt và các đô thị còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Mặc dù đã có chuyển biến, nhưng số vụ vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn ở mức cao, vẫn xảy ra một số vụ TNGT do nguyên nhân uống rượu bia…
Theo nhìn nhận, đánh giá của các cơ quan ban ngành, nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng này một mặt là do hạ tầng, kỹ thuật giao thông còn yếu kém, chưa đồng bộ nhưng phần lớn là do sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải mà trực tiếp là các tài xế.
Đồng bộ giải pháp
Theo Sở GTVT TPHCM, thời gian qua, TP đã tăng cường các biện pháp để xóa các điểm đen về TNGT. Hiện trên địa bàn TP còn 7 điểm đen giao thông, như: đường Nguyễn Duy Trinh, quận 2; nút giao Mỹ Thủy, quận 2; cầu Nguyễn Tri Phương, quận 5; cầu Sài Gòn 2, quận Bình Thạnh; vòng xoay An sương, quận 12 và huyện Hóc Môn; trước nhà 235 Nguyễn Văn Cừ, quận 1; đường Võ Văn Kiệt, đoạn từ đường Yersin đến đường Nguyễn Thái Học, quận 1. Về kế hoạch xóa các “điểm đen” giao thông trong năm 2020, Sở GTVT TP cho biết, sẽ chủ trì, phối hợp với Công an TP, UBND các quận huyện và các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết đối với từng điểm. Các biện pháp sẽ được tập trung triển khai bao gồm: bảo trì hệ thống hạ tầng đường bộ hiện hữu; cải tạo kích thước hình học, lắp đặt bổ sung hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, dải phân cách, trang bị hệ thống camera, xử phạt nguội... Đồng thời, các đơn vị chức năng tăng cường công tác xử lý vi phạm; công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; phối hợp xử lý sự cố thông qua các nhóm phản ứng nhanh của thành phố.
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 28-8, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ ngành đẩy mạnh công tác tuần tra, xử lý vi phạm đối với xe tải, xe khách trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị phụ trách các tuyến đường đối với tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông của xe kinh doanh vận tải; báo cáo kết quả điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân làm giả Giấy khám sức khỏe cho người học lái xe, làm giả Giấy phép lái xe hoặc có hành vi gian lận, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và khám sức khỏe cho người học lái xe. Song song đó, Chính phủ yêu cầu từ 1-9-2020, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông các tuyến đường bộ, đặc biệt là các tuyến quốc lộ qua địa phương, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông. Người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để các sai phạm về lấn chiếm hành lang an toàn giao thông dẫn đến TNGT gây hậu quả nghiêm trọng.