Nhiều giải pháp vực dậy ngành bán lẻ

Trong bối cảnh người tiêu dùng (NTD) cắt giảm chi tiêu khiến mua sắm sụt giảm rõ rệt, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã và đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp để kích cầu mua sắm.
Saigon Co.op đang kiến tạo các chương trình khác biệt để thu hút khách hàng
Saigon Co.op đang kiến tạo các chương trình khác biệt để thu hút khách hàng

Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu

Theo khảo sát thói quen tiêu dùng 2023 của Tập đoàn PricewaterhouseCoopers (PwC) - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, công bố mới đây thì có tới 62% NTD Việt Nam sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết. Sự cắt giảm chi tiêu này ảnh hưởng nhiều hơn đến các mặt hàng không thiết yếu. Cụ thể, 54% NTD Việt dự kiến chi tiêu ít hơn cho các mặt hàng xa xỉ, sau đó là du lịch (42%) và thiết bị điện tử (38%). Riêng mặt hàng tạp hóa và thực phẩm, chỉ có 18% NTD Việt dự định cắt giảm chi tiêu, thấp hơn so với mức trung bình toàn cầu 24%.

Hình thức mua sắm trực tuyến vẫn là lựa chọn hàng đầu với 64% khách hàng dự định tăng tần suất mua sắm trên nền tảng này và mong đợi có trải nghiệm mua sắm đa kênh nhiều hơn. Tuy nhiên, việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn được ưu tiên nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và trải nghiệm. Mặc dù có kế hoạch giảm chi tiêu và nền kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều NTD sẵn lòng trả thêm tiền cho các sản phẩm bền vững. Theo khảo sát, có đến 96% NTD Việt sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm từ các công ty có uy tín và đạo đức kinh doanh cũng như sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Trên thực tế, các số liệu thống kê về doanh thu bán lẻ, dịch vụ tại TPHCM trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy mức sụt giảm trong chi tiêu bán lẻ của NTD thành phố. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý 1-2023 của thành phố chỉ đạt 263.981 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ và chỉ bằng 1/3 mức tăng trưởng bình quân của cả nước.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, trong các tháng Tết Quý Mão vừa qua sức mua tăng rất tốt. Tuy nhiên sau Tết, các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại có xu hướng sụt giảm doanh thu đáng kể nên tăng trưởng doanh thu quý 1-2023 rất khiêm tốn. Đáng lưu ý, thời điểm trước dịch, mức đóng góp của thương mại hiện đại so với tổng thương mại của cả nước là khoảng 24%, nhưng đến quý 1-2023 thì có xu hướng chuyển dịch ngược theo hướng thương mại truyền thống tăng và thương mại hiện đại giảm mạnh. Điều này thể hiện bước phát triển lùi của ngành thương mại. Thế nhưng, qua đó cũng thể hiện rõ nét những khó khăn của NTD trên cả nước. NTD cân nhắc và thận trọng hơn trong các quyết định mua sắm và họ đã tập trung mua sắm ở những kênh có mức giá rẻ hơn.

Nhiều giải pháp kích cầu

Trong bối cảnh người dân cắt giảm chi tiêu, đo đếm kỹ lưỡng từng khoản mua sắm và đặc biệt nhạy cảm về giá, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, ngành công thương TPHCM tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường hàng hóa nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là nhóm hàng thiết yếu.

Theo ông Phương, trong năm 2023, thành phố có kế hoạch tổ chức 2 đợt khuyến mãi lớn, đợt đầu diễn ra vào tháng 6 và đợt 2 vào dịp cuối năm. Tuy nhiên với tình hình kinh doanh đang có chiều hướng giảm như hiện nay, để kích cầu sức mua, Sở Công thương đã gửi công văn đến các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trên địa bàn nhằm vận động doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mãi cho dịp lễ 30-4 và 1-5 sắp tới.

Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp bán lẻ cũng có những giải pháp riêng để thu hút khách hàng, điển hình như Saigon Co.op. Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, nhà bán lẻ này đang cân nhắc để đảm bảo vừa hỗ trợ NTD vượt qua khó khăn vừa giúp Saigon Co.op đứng vững. “Chúng tôi tập trung vào các giải pháp kích cầu mang tính khác biệt chứ không như các giai đoạn trước, bởi lúc này có những mặt hàng dù giảm giá chưa chắc khách hàng đã mua. Do vậy, chúng tôi phải chọn đúng đối tượng giảm giá để tập trung kích cầu hiệu quả”.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, trong năm 2023, Saigon Co.op tập trung vào 8 giải pháp để phát triển hệ thống cùng với nhà cung ứng. Cụ thể, cấu trúc hóa, gia tăng tập trung và hiệu quả hợp tác với các đối tác; phân định rõ tính chất của từng mô hình, từ đó hỗ trợ nhà cung cấp tính toán lại nguồn cung hàng hóa phù hợp với từng mô hình siêu thị, cửa hàng, trung tâm của Saigon Co.op; cải tạo quy trình và đối soát giao dịch theo hướng minh bạch và cam kết thanh toán theo định kỳ với các nhà cung cấp; số hóa, điện toán kết nối và thương mại điện tử; xây dựng hệ thống logistics độc lập, giá trị cốt lõi để hỗ trợ cửa hàng, siêu thị, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cung ứng; quy hoạch nguồn nguyên liệu, chuyên môn hóa sản phẩm có tính đến yếu tố phù hợp với từng vùng miền, số lượng đủ lớn để đảm bảo chất lượng và giá thành cạnh tranh tốt hơn cho NTD; tiêu chuẩn hóa, nâng cao sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp cung ứng; hình thành liên minh các giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao nội lực cho doanh nghiệp cung ứng.

Thực tế hiện nay, NTD đang đứng trước bài toán cân đối chi tiêu, dẫn đến khủng hoảng thừa nguồn cung - thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Và các nhà sản xuất, cung ứng hàng tiêu dùng đang cân nhắc việc hạ giá sản phẩm nhằm thu hút khách hàng, song nếu hạ dưới giá thành thì khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, các nhà bán lẻ như Saigon Co.op ngoài giải pháp kích cầu thông qua giảm giá còn làm việc với nhà cung cấp, nhà cung ứng dịch vụ để có tương quan hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể, cuối tháng 3 vừa qua, Saigon Co.op tổ chức đối thoại với hơn 600 nhà cung cấp nhằm trao đổi những giải pháp đặt ra trong năm 2023, giúp hai bên có chỗ đứng vững vàng trong điều kiện khó khăn. Ngoài ra, trong kế hoạch sắp tới, nhà bán lẻ này còn phối hợp các ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho nhà cung ứng được tiếp cận nguồn vốn sản xuất, cung cấp hàng cho Saigon Co.op…

Tin cùng chuyên mục