Hai mục tiêu chính
Theo ông Trần Quang Lâm, năm 2019 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đây cũng là năm quan trọng gấp rút hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những yếu tố trên, phát triển đô thị khu vực nội thành, khu đô thị mới ở vùng ngoại thành cùng với sự gia tăng dân số cơ học mà song hành với đó là kéo theo sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, trong khi các loại hình vận tải công cộng sức chở lớn đang thi công xây dựng. Toàn bộ những vấn đề trên, mặt nào đó chính là những thách thức trong việc kéo giảm áp lực giao thông tại các khu vực cửa ngõ, các trục hướng tâm thành phố.
Trong bối cảnh ấy và để thực hiện chủ đề năm 2019 của TPHCM là “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”, với mục tiêu tổng quát đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ngành GTVT thành phố xác định 2 mục tiêu trọng tâm trong năm mới. Đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công, gấp rút thực hiện các đề án triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14, đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đối với lĩnh vực GTVT. Đó cũng là tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trọng điểm gắn với chỉnh trang đô thị; giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Đường bộ vẫn chủ yếu
Hiện nay, GTVT ở TPHCM vẫn chủ yếu tập trung vào đường bộ, vì thế khai thác hiệu quả đường bộ là yếu tố quan trọng giúp giải quyết giao thông đi lại thông suốt. Ngành GTVT thành phố xác định một loạt việc cần làm. Đó là rà soát và điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường, điểm đón, trả khách, hạn chế lưu thông một số khu vực; công tác cấp phép cho các phương tiện vận tải lưu thông trong nội thành, xe máy chuyên dùng lưu thông vào nội đô thành phố trong giờ cao điểm. Rà soát, sắp xếp lại các vị trí dừng đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè; đề xuất các giải pháp hạn chế sử dụng lòng đường làm chỗ đậu xe; mở rộng việc thu phí đậu xe dưới lòng đường trên địa bàn thành phố.
Tăng cường công tác kiểm tra, duy tu sửa chữa thường xuyên các tuyến đường trên địa bàn thành phố, không để xuất hiện tình trạng mặt đường bị hư hỏng, gây mất an toàn giao thông. Xử lý, khắc phục ngay các bất cập của hệ thống hạ tầng giao thông trong quá trình khai thác. Tiếp tục áp dụng các công nghệ mới, vật liệu mới vào công tác quản lý bảo trì công trình cầu, đường bộ.
Nâng cao hiệu quả khai thác Cổng thông tin giao thông, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về giao thông đến người dân thành phố để người dân dễ dàng lựa chọn lộ trình lưu thông phù hợp trong từng thời điểm.
Tăng cường phối hợp công tác chấn chỉnh, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trên các tuyến đường chính của thành phố để đảm bảo an toàn cho người đi bộ và góp phần thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ khoan ngầm trong thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật; đồng thời tổ chức điều phối công tác phối hợp thi công giữa các ngành trên cùng một tuyến đường.
Bên cạnh việc khai thác hiệu quả khâu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ trong năm 2019, ngành GTVT TPHCM tập trung đôn đốc triển khai các công trình trọng điểm mang tính cấp bách để kéo giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông; ưu tiên đầu tư đối với một số nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố, các dự án để khép kín Vành đai 2, các tuyến đường cửa ngõ; tham mưu cơ chế đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cầu kết nối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Phấn đấu khởi công 27 dự án như sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, mở rộng đường Đồng Văn Cống, nâng cấp mở rộng mặt đường Hoàng Hoa Thám, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, mở rộng đường Cộng Hòa (đoạn từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long), khởi công giai đoạn 2 dự án cầu đường Bình Triệu 2 - nút giao ngã ba Đài liệt sĩ, cầu đường Bình Tiên, hoàn thành 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị Thủ Thiêm và mở rộng xa lộ Hà Nội.
Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm như xây dựng đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, nút giao thông Đại học Quốc gia, nâng cấp đường Lương Định Của, xây dựng cầu Ông Nhiêu. Tham mưu UBND TPHCM và phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3...
Nâng tỷ lệ đáp ứng vận tải công cộng
Trong năm 2019, Sở GTVT TPHCM đề ra chỉ tiêu khối lượng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đô thị, đáp ứng từ 11,2% và đến năm 2020 đáp ứng từ 15% nhu cầu giao thông đô thị. Để đạt được điều này, Sở GTVT đề ra một số giải pháp như tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án sắp xếp, đổi mới mô hình quản lý của các hợp tác xã vận tải xe buýt hướng đến việc phát triển doanh nghiệp vận tải theo mô hình quản lý tập trung, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông” trên địa bàn thành phố. Đẩy nhanh việc trình duyệt bộ đơn giá mới, thủ tục giải quyết hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện, khảo sát sản lượng thực tế, kết hợp dự báo để làm cơ sở xác định sản lượng - doanh thu đặt hàng, đấu thầu phù hợp với tình hình hiện nay.
Đầu tư đổi mới phương tiện phù hợp với đặc tính đô thị và thân thiện với môi trường. Xây dựng phương án kết nối giao thông tại các nhà ga metro, dọc tuyến xe buýt nhanh BRT vào các tuyến giao thông hiện hữu sau khi tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2 và tuyến BRT được đưa vào khai thác. Nâng cao hiệu quả công tác quảng cáo trên thân xe buýt, tạo sự chủ động cho đơn vị triển khai thực hiện, tiến tới giảm dần chi phí hỗ trợ từ ngân sách thành phố.
Ngoài ra, một số giải pháp thuộc về tổ chức giao thông cũng được triển khai ngay trong năm 2019, tổ chức thí điểm làn ưu tiên và làn dành riêng cho xe buýt trên các tuyến đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu. Sau đó tổng kết để nhân rộng trên một số tuyến đường khác. Đây là một trong những giải pháp giúp xe buýt có thể đi lại thuận tiện, thu hút người dân sử dụng xe buýt.
Tăng năng lực đường thủy nội địa
Sở GTVT TPHCM xác định tăng cường công tác quản lý, bảo trì đối với hệ thống các tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý và tuyến đường thủy được ủy quyền quản lý. Tiếp tục khảo sát, đánh giá các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để lắp đặt biển cảnh báo. Đặc biệt thường xuyên rà soát, kiểm tra để phát hiện kịp thời các hư hỏng phát sinh tại các tuyến kè hiện hữu.
Hoàn thành dự án nghiên cứu dự báo và xây dựng bản đồ dự báo sạt lở, đề xuất các nguyên tắc ứng xử phòng chống sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố.
Nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải đường thủy nội địa nhằm góp phần san sẻ áp lực giao thông đường bộ bằng các giải pháp như kết nối liên thông các loại hình vận tải bằng đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ… Tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy kết hợp phát triển du lịch.
Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục triển khai và kêu gọi tham gia đầu tư theo mô hình xã hội hóa vào nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy. Có thể nhắc đến các tuyến tiêu biểu như tuyến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - Rạch Chiếc - sông Đồng Nai với chiều dài tuyến 15km; tuyến sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi cự ly dài 16km; tuyến sông Sài Gòn - Mũi Đèn Đỏ - sông Nhà Bè cự ly 14km; tuyến sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - cầu An Lộc cự ly 17km; tuyến sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đỉa - sông Phú Xuân - sông Soài Rạp với chiều dài tuyến 23km.
Riêng tuyến Bạch Đằng (quận 1 TPHCM) - Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) dài 32km, dự kiến đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2019 và tuyến Bạch Đằng - Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), dự kiến đưa vào khai thác trong tháng 3-2019.
Ngành GTVT TPHCM đề ra một loạt chỉ tiêu thực hiện trong năm 2019 với những nét chính là: |