Cụ thể, theo quyết định của Chính phủ, với dự án đầu tư CNHT, doanh nghiệp sẽ được tài trợ một phần kinh phí đầu tư nghiên cứu hoặc sản xuất thử nghiệm; được giao đất hoặc hưởng các ưu đãi về sử dụng đất và xem xét hỗ trợ (tối đa 50%) kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ chương trình phát triển CNHT.
Trong ứng dụng và chuyển giao, doanh nghiệp được hỗ trợ sản xuất thí nghiệm sản phẩm (tối đa 50%); hỗ trợ một phần kinh phí chuyển giao công nghệ (đối với dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp được hỗ trợ tối đa 75%); hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho CNHT và hợp tác quốc tế, phát triển thị trường.
Đặc biệt, doanh nghiệp ngành CNHT còn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (theo các quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26-11-2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế); thuế giá trị gia tăng; được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của dự án. Riêng với doanh nghiệp CNHT có quy mô sản xuất nhỏ và vừa còn được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định khi đáp ứng các điều kiện như có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác; có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác. Các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.
Trường hợp dự án có tính chất đặc biệt hoặc quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cần hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định trên thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Theo đại diện Hội doanh nghiệp Điện - Cơ khí TPHCM, những hỗ trợ trên là rất thiết thực với doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT, bởi có đến hơn 90% doanh nghiệp ngành này có nội lực vốn yếu nên quy mô sản xuất nhỏ. Thời gian qua, các chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển vào Việt Nam rất lớn. Các tập đoàn này cũng mong muốn đa dạng hóa doanh nghiệp cung ứng, nhất là tăng tỷ lệ nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam.
Thế nhưng với quy mô và vốn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp Việt đã phải ngậm ngùi từ chối tham gia. Do vậy, nếu những chính sách trên sớm triển khai hiệu quả vào thực tiễn sẽ là cơ hội để doanh nghiệp bứt phá, gia nhập được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Riêng tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp kiến nghị sớm hình thành khu công nghiệp chuyên ngành CNHT. Đây là cơ sở để doanh nghiệp Việt liên kết tạo ra cụm sản phẩm CNHT đa chi tiết “make in Việt Nam”, từng bước tiến sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới.