Kéo người trẻ sa ngã đứng lên
Trở về từ trại cải tạo bởi tụ tập bạn bè, chơi bời lêu lổng, gây rối trật tự công cộng, N.Q.T. (26 tuổi) đã từng tự ti, khép mình với mọi người xung quanh. Mong muốn kéo T. hòa nhập với cộng đồng, đứng lên từ vấp ngã để sống có ích, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Bí thư Đoàn phường 1 (quận 6, TPHCM) đã không ít lần gặp gỡ, động viên T. Với sự kiên trì ấy, chị Tuyết đã từng bước kéo T. hòa nhập vào cuộc sống. Nắm được tâm tư T. muốn mua một chiếc xe máy để đi làm, chị Tuyết đôn đáo tìm nguồn tài trợ. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời, T. đã sống hòa đồng hơn với những người xung quanh và hiện đang làm phụ bếp tại một nhà hàng ở quận 5.
Bạn Lữ Bội Yến, 23 tuổi (ngụ 149/16 Cao Văn Lầu) là người chiến thắng cuộc thi “Vượt lên từ nghịch cảnh” mùa đầu tiên. Ngoài 15 triệu đồng để tiếp tục phát triển nghề gia công nắp bình đựng nước, Yến còn nhận thêm suất học bổng để học nghề. Năm 2018, cô bé Yến cần mẫn, chăm chỉ học tập đã được Đoàn phường giới thiệu việc làm tại Trường Mầm non Rạng Đông 2; cũng từ đây, nhà trường tạo điều kiện cho Yến đi học khóa đào tạo giáo viên mầm non để sau này có thể đứng lớp giảng dạy. Đến nay, mùa thứ 3 của “Vượt lên từ nghịch cảnh” kết thúc, có 3 thanh viên là Lữ Bội Yến, Lê Thể Dung, 30 tuổi (ngụ 10/52B, đường Mai Xuân Thưởng) và Dương Thuận Vinh (35/1A, đường Cao Văn Lầu) đều đã phần nào ổn định dần công việc.
Chị Thu Tuyết tâm sự: “Cả tuổi trẻ tôi gắn bó hoạt động đội rồi tới đoàn, dù ở vai trò nào thì để đoàn viên, thanh niên tin tưởng cùng đồng hành, cùng rèn luyện thì phải có những hành động thiết thực, chạm được vào những điều họ cần trong cuộc sống”.
Dân hài lòng khi thủ tục được rút ngắn
Thấy mức tiêu thụ nước tháng này cao bất thường, Bà Nguyễn Thị Bình (ngụ quận 5) tất tả đến Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân (thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco) khiếu nại. Sau khi đọc họ tên và nội dung khiếu nại, bà được viết biên nhận chờ giải quyết. “Tôi rất bất ngờ vì thủ tục đơn giản. Trước đây, tôi khiếu nại hay phản ánh gì là phải tự mình khai đủ thứ giấy tờ theo mẫu, giờ đơn giản và nhanh quá, đỡ phiền cho người dân”. Đó là nhờ sáng kiến “Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn; rút ngắn thời gian, quy trình công tác cấp định mức nước và áp dụng giá biểu” do CLB Sáng tạo Phuwaco của Đoàn thanh niên Công ty CP Cấp nước Phú Hòa Tân xây dựng.
Anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành đoàn TPHCM, nhận định: “Trước đây chỉ có vài thiết chế văn hóa nên những phong trào vui chơi giải trí thông thường còn có sức hút với thanh niên, nhưng hiện nay tuổi trẻ có quá nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí. Tổ chức Đoàn cũng nhận thấy điều đó và đặt ra yêu cầu là phải thay đổi phương thức hoạt động, hướng đến những hoạt động cụ thể, thiết thực cũng như nhắm tới văn hóa thưởng thức sao cho phù hợp với thực tế nhằm thu hút đoàn viên, thanh niên”. |
Ngoài giải pháp trên, CLB Sáng tạo Phuwaco còn xây dựng nhiều giải pháp khác như: Chuẩn hóa công tác quản lý đọc chỉ số bằng thiết bị HandHeld; thay thế thiết bị điều khiển bằng 2 Pilots gắn song song; dao cắt ống phân phối; phần mềm quản lý hồ sơ khách hàng; ứng dụng phần mềm thủy lực Watergems; cải cách thủ tục hành chính - tiếp nhận đơn theo cơ chế một cửa.
Trong khi đó, công trình “Biến bãi rác thành công viên” của Trung tâm Công tác xã hội (Thành đoàn TPHCM) đã được nhân rộng ở TPHCM để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư. Không dừng lại ở những khóm hoa thay thế vị trí của bãi rác, các bạn trẻ của trung tâm còn sử dụng chính vật liệu phế thải để làm đồ chơi, đồ trang trí tại các công viên nhằm phục vụ người dân, tạo sân chơi cho trẻ em. Hay những căn nhà tình bạn, tuyến đường nông thôn được bê tông hóa từ bàn tay những đoàn viên, những đường dây điện trong nhà dân gọn gàng hơn… là minh chứng cho những việc làm thiết thực, tác động trực tiếp tới đời sống người dân.
Về hoạt động cộng đồng, Thành đoàn TPHCM và các cơ sở Đoàn còn nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thực tế, có thể kể đến những công trình xây cầu, làm đường nông thôn ở vùng sâu, vùng xa và để lại nhiều công trình lớn trên địa bàn.
Riêng hoạt động giúp thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp cũng ngày càng phát triển cả về lượng và chất, như chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ vốn ở các cơ sở Đoàn; hỗ trợ nghề như sàn giao dịch việc làm, tiếp sức người lao động; trao học bổng cho học sinh, sinh viên hoặc các hoạt động chăm lo, hỗ trợ hết sức thiết thực khác.