Nhu cầu tiêu dùng chưa như kỳ vọng
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên mức tăng thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Nhìn vào con số này, các chuyên gia đánh giá, nhu cầu tiêu dùng trong nước dù đã phục hồi, nhưng vẫn thấp... bởi thu nhập của người lao động, cũng là người tiêu dùng còn thấp khi nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn.
Thực tế này càng thể hiện rõ rệt khi Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) mới đây công bố: hiện có đến 64% DN tại TPHCM cho biết gặp khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng suy giảm, 50% DN khó khăn do thiếu các đơn hàng mới, 29% DN khó khăn vì giá nguyên liệu đầu vào tăng, 16% DN khó khăn do thiếu vốn kinh doanh. Đặc biệt, chỉ số lao động cho thấy khá nhiều DN đang có kế hoạch giảm lao động với mức 30%.
Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, thừa nhận, sức tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm của DN rất chậm trong 6 tháng đầu năm nay. Đã hết nửa năm nhưng doanh thu mà đơn vị đặt ra vẫn chưa như kỳ vọng. Thậm chí, ngay các chợ đầu mối vốn chiếm khoảng 50%-70% thực phẩm tươi sống của TPHCM cũng ghi nhận lượng hàng lẫn sức mua những tháng đầu năm nay ở mức thấp. Đơn cử như chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, sức mua nhiều loại trái cây như măng cụt, chôm chôm… có phần sụt giảm. Điều này cho thấy, khi DN khó khăn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, dẫn đến sức mua chưa cao.
Kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op, muốn thúc đẩy tăng trưởng cho ngành bán lẻ nói chung, tăng doanh thu nói riêng thì phải bắt đầu từ việc tăng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng. Theo đó, Chính phủ cần có những giải pháp liên quan đến thị trường bất động sản, tạo công ăn việc làm ổn định, lãi suất ngân hàng và giá vàng, ngoại tệ ổn định... tạo nên niềm tin của người tiêu dùng tốt hơn.
Chính phủ đã quyết định tăng mức lương cơ sở thêm 30% cho người lao động, tăng 15% lương cho người nghỉ hưu. Bên cạnh đó, từ ngày 1-7-2024, thuế giá trị gia tăng cũng giảm xuống 8% và kéo dài đến hết năm; các DN cũng được giãn, giảm thuế. Đây được cho là điều kiện để giảm giá thành và cải thiện lương cho người lao động. Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm cuối năm thường diễn ra nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Việc hàng hóa được đưa ra thị trường cùng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sẽ là cơ hội để DN đưa hàng hóa ra thị trường, tăng cường sức mua.
Hưởng ứng chương trình khuyến mãi tập trung - Shopping season trên địa bàn TPHCM năm 2024, từ cuối tháng 5-2024 đến nay, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã tổ chức 2 đợt giảm giá mạnh gồm: “Lễ hội mua sắm cho mẹ và bé”, từ ngày 30-5 đến 12-6 với việc giảm giá 50% hơn 1.000 sản phẩm; chương trình “Gia đình Việt đại sứ xanh”, từ ngày 13-6 đến 3-7 với hoạt động giảm giá đến 50% cho 2.100 sản phẩm thân thiện môi trường…
Đặc biệt, sau ngày 3-7, toàn bộ hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra ở khu vực TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện đợt khuyến mãi mới có chủ đề “Lễ hội hàng nhãn riêng Co.op”. Chương trình kéo dài từ ngày 4-7 đến 17-7 với việc giảm giá cho loạt sản phẩm như gạo thơm Jasmine, dầu nành, nước rửa chén, giấy vệ sinh, thực phẩm, hóa mỹ phẩm…
Tại TPHCM, chung tay cùng cộng đồng DN thúc đẩy tiêu dùng nội địa, từ giữa tháng 6-2024, Sở Công thương TPHCM đã khởi động đợt 1 của chương trình khuyến mãi tập trung - Shopping season trên địa bàn năm 2024.
Sở Công thương cho biết, DN khi tham gia sẽ được hỗ trợ nhiều mặt về truyền thông, chi phí, kết nối và hợp tác... Ví dụ, các DN khi tham gia sự kiện khuyến mãi hàng hiệu, hàng tiêu dùng theo hình thức bán hàng lưu động... sẽ được miễn phí/giảm chi phí thuê mặt bằng. Ngoài ra, DN được hỗ trợ tham gia các dự án hợp tác với đối tác lớn, chuỗi cung ứng, tạo cơ hội kết nối, hợp tác với các DN trong và ngoài nước...
“So với năm ngoái, sự kiện khuyến mãi được liên tục đổi mới, nâng chất, phù hợp với tình hình thực tế. Sự kiện được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thành phố đạt được mục tiêu kép là gia tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024, đồng thời kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ”, đại diện Sở Công thương TPHCM chia sẻ.