Nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn TPHCM

Chiều 15-11, Sở Công thương TPHCM gửi UBND TPHCM dự thảo, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn TP.

Dự thảo nêu rõ, tính đến ngày 14-11, trên địa bàn TPHCM có 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 61 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 32 đại lý bán lẻ và 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Hiện nay, trên địa bàn TP có 4/549 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhất là từ ngày 1-10 đến nay, có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu gián đoạn do tạm hết xăng.

Trung bình mỗi ngày có từ 9-20% trên tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại TPHCM tạm thời thiếu hụt mặt hàng xăng. Ngoài những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến nguồn cung, có một số trường hợp thương nhân không chủ động nhập hàng dẫn đến thiếu nguồn hàng cung ứng cho thị trường…

Trước thực tế này, TPHCM đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể như sau. Đối với giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu, cần rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

Trong tình hình hiện nay cần thực hiện thời gian điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng và không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ nhằm hạn chế đến tác động cung - cầu trên thị trường.

Nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn TPHCM ảnh 1 Người dân xếp hàng chờ đổ xăng, dầu tại cửa hàng số 8 Comeco quận 10, TPHCM, chiều 15-11. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bên cạnh đó, cần có giải pháp điều hành theo biên độ giá xăng dầu tăng/giảm phù hợp với thị trường; đồng thời đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh còn từ 3-5 ngày (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày.
Đồng thời để phù hợp hơn với tình hình thực tế, TPHCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong trường hợp cần thiết được chủ động quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp.

Tiếp đến, đề xuất điều chỉnh chi phí định mức áp dụng trong tính toán cơ cấu giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu. Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài Chính xác định và thông báo hàng năm để Bộ Công Thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu đã được áp dụng tứ năm 2014 nên không còn phù hợp với thực tiễn.

Thêm nữa, thực tế trong thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình chính trị thế giới tác động đến khoảng chênh lệch giá trong nước so với thế giới, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu đến cảng cũng tăng cao. Bên cạnh đó, chi phí kinh doanh định mức của một số thương nhân đầu mối tăng do những chi phí thực tế phát sinh.

Do đó, để ổn định nguồn cung xăng dầu cũng như bù đắp chi phí kinh doanh và không phát sinh lỗ kéo dài cho các thương nhân đầu mối, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài Chính rà soát và tính  toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu bao gồm: Chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở…

Mục đích nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu…

TPHCM cũng kiến nghị điều chỉnh cách thức áp dụng giá trị trong tính toán giá cơ sở. Quy định chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khoảng chênh lệch giá trong nước so với giá thế giới và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng đang áp dụng đơn vị tính đồng/lít để tính toán trong giá cơ sở.

Trong khi đó, tập quán giao dịch của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu với nhà cung cấp được tính theo giá USD/thùng. Chưa kể thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt theo chiều hướng tăng liên tục.

Theo đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương nghiên cứu áp dụng theo đơn vị tính phù hợp với công thức tính bù trừ tương thích để phản ánh phù hợp biến động của tỷ giá và định kỳ hàng quý rà soát số liệu để điều chỉnh kịp thời trong trường hợp có biến động bất thường.

Xem xét, nâng tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu. Theo ghi nhận, tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu hiện nay tương đối thấp (đối với mặt hàng xăng có tỷ trọng khoảng 20,23% và dầu DO khoảng 26,64%).

Đối với giải pháp duy trì hoạt động chuỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cần tính toán các phương án phù hợp để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia kinh doanh có lợi nhuận hợp lý. Đồng thời TPHCM đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ, đảm bảo mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít…

Một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. TPHCM phân tích, do tình hình kinh doanh gặp khó khăn, hiện tại một số thương nhân đầu mối nợ số thuế lớn nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại điều 62 Luật Quản lý thuế năm 2019 về gia hạn nộp thuế nên không thuộc thẩm quyền quyết định của Cục trưởng Cục thuế TPHCM.

Đồng thời, căn cứ Điều 63 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về gia hạn nộp thuế trong trường hợp đặc biệt “Chính phủ quyết định việc gia hạn nộp thuế cho các đối tượng, ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt trong từng thời kỳ nhất định. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyệt định”.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện cho thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu cung cấp cho thị trường trong nước, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc gia hạn nộp thuế đúng quy định cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong một giai đoạn nhất định.

Tin cùng chuyên mục