Phức tạp vì nhiều lẽ
Chỉ trên tuyến đường Lê Đức Thọ thuộc địa bàn quận Gò Vấp, thật tình cờ khi tập trung khá nhiều trường thuộc nhiều cấp học. Có thể nhắc đến Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, Trường THCS Nguyễn Trãi, Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, Trường THCS Lý Tự Trọng, Trường THPT Nguyễn Trung Trực... Song hành với sự hội tụ của các cơ sở giáo dục này là mối lo thường trực đặt ra cho các ngành chức năng về nguy cơ ùn tắc giao thông cục bộ và vấn đề đảm bảo ATGT cho trẻ em, đặc biệt là giờ vào lớp hoặc lúc tan trường.
Cũng có khi sự phức tạp phát sinh là do cơ sở giáo dục nằm ở vị trí trọng điểm về giao thông, điển hình như của Trường Ngoại ngữ Đông Phương tọa lạc tại khu vực dạ cầu vượt ngã sáu Gò Vấp. Đây là nút giao thông huyết mạch của quận Gò Vấp với mật độ phương tiện tham gia lưu thông rất đông đúc. Đã vậy, quanh điểm trường này còn có siêu thị Big C và siêu thị Văn Lang, đồng nghĩa nhu cầu băng ngang đường của người đi bộ. Tương tự là trường hợp Trường Tiểu học Kim Đồng nằm gần giao lộ trên đường Lê Thị Riêng thuộc địa bàn quận 12 hoặc các trường học trên đường TL 29 cũng thuộc quận 12. Các điểm trường này đều có điểm chung là hiện diện trên các trục đường chính, lưu lượng phương tiện giao thông qua lại đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ ùn ứ giao thông cục bộ.
Trong khi đó, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ do nằm gần giao lộ với đường Nguyễn Văn Bứa thuộc huyện Hóc Môn, nên cũng đối mặt với nguy cơ mất ATGT vì tuyến đường này có mật độ giao thông ngày càng gia tăng, tốc độ lưu thông cao và nhiều xe cơ giới qua lại.
Trên địa bàn huyện Củ Chi, một loạt trường học đã được Khu quản lý Giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở GTVT TPHCM) quan tâm như Trường THCS Hòa Phú, Trường Mầm non Tuổi Ngọc trên địa bàn xã Hòa Phú, Trường Tiểu học Tân Thạnh Đông trên trục liên tỉnh lộ 15, Trường THCS Tân Phú Trung trên tuyến quốc lộ 22… Điểm chung của cụm trường nơi đây là tình trạng học sinh đi lại, băng ngang đường lộn xộn vào các giờ nghỉ và giờ tan trường, trong khi các tuyến đường quanh đó luôn có mật độ tham gia giao thông cao.
Giải pháp linh động
Các giải pháp mà Sở GTVT TPHCM triển khai thực hiện trong thời gian qua tại khu vực Tây Bắc thành phố, nhìn chung có tính đa dạng và uyển chuyển; áp dụng tùy theo đặc thù, đặc điểm của từng vị trí điểm trường để hướng tới mục tiêu đảm bảo ATGT cho học sinh đang bước vào năm học mới.
Một trong những biện pháp tiêu biểu là tiến hành rà soát, lắp đặt biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, biển cảnh báo và tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường đi qua khu vực có trường học. Đối với các trường nằm trên tuyến đường giao thông phức tạp, giải pháp đưa ra của Khu quản lý Giao thông đô thị số 3 là tăng cường lắp đặt thanh chắn ngăn phương tiện lưu thông qua lối đi bộ, lắp thêm đèn tín hiệu giao thông giảm tốc độ, thiết lập dải phân cách di động… Trường hợp Trường Ngoại ngữ Đông Phương tại dạ cầu vượt ngã sáu Gò Vấp là một ví dụ. Tại đây đã có lối băng ngang dành cho người đi bộ và để ngăn xe 2 bánh lưu thông vào lối bộ hành, Khu quản lý Giao thông đô thị số 3 đã lắp đặt các thanh chắn cao 10cm, kết hợp tạo lối đi dành cho người tàn tật sử dụng xe lăn.
Tương tự, tại khu vực Trường Tiểu học Kim Đồng, Khu quản lý Giao thông đô thị số 3 đã lắp thêm đèn tín hiệu giao thông, kẻ vạch dừng đôi trên đường Lê Thị Riêng tại hướng rẽ trái vào trường học… Trong khi đó, giải pháp bổ sung vạch sơn giảm tốc theo cả 2 hướng lưu thông trên đường TL 29, đoạn qua khu vực có trường học, được xem là phù hợp với đặc điểm nơi này.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Khu quản lý Giao thông đô thị số 3, cho biết những công tác này đã được đơn vị xác định duy trì thường xuyên, cũng như luôn linh động điều chỉnh, bổ sung dựa trên sự phối hợp và góp ý của chính quyền các quận huyện trên địa bàn TPHCM, nơi tập trung nhiều trường học các cấp.
- Rà soát vị trí các cổng trường học để khi cần, đề xuất nhà trường chuyển sang vị trí khác hoặc điều chỉnh lệch giờ học tại khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Theo chiều hướng này, Sở GTVT TPHCM đã nghiên cứu và đề xuất vị trí mở cổng trường đến các cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành thuộc các địa phương. Trong danh sách đề xuất các trường học thuộc diện này dàn trải tại nhiều quận huyện ở khu vực Tây Bắc thành phố, như cụm trường học trên đường Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu thuộc quận Gò Vấp; trường học trên các đường Đặng Thúc Vịnh, Trần Thị Bắc thuộc huyện Hóc Môn; trường học trên các đường Nguyễn Ảnh Thủ, Phan Văn Hớn… thuộc quận 12. - Xây dựng thêm cầu vượt bộ hành qua các khu vực trường học. Một trong số đó đang được Sở GTVT TPHCM thi công là cầu vượt trước khu vực Trường THCS Thông Tây Hội, quận Gò Vấp. Việc thi công đang vào giai đoạn hoàn thành, chuẩn bị nghiệm thu đưa vào khai thác. Trong thời gian tới, một số cầu vượt bộ hành khác cũng sẽ được xây dựng, như cầu vượt trước Bến xe ngã tư Ga và gần Trường Đại học Văn Hiến, quận 12. - Đẩy mạnh tuyên truyền ATGT tại khu vực trường học. Từ đầu năm 2018 đến nay, Sở GTVT TPHCM đã tổ chức 3 lượt tuyên truyền ATGT tại các trường học ở vị trí có tình hình giao thông phức tạp. Hiện năm học mới 2018-2019 đã bắt đầu, Sở GTVT TPHCM đang có kế hoạch phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các quận huyện trên địa bàn thực hiện các buổi tuyên tuyền tư vấn về ATGT cho học sinh và phụ huynh. Theo lịch trình, trong tháng 9 này sẽ tổ chức tuyên truyền, tư vấn ATGT tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Gò Vấp; Trường THCS Nguyễn An Ninh, quận 12. Qua tháng 10, tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp và Trường Tiểu học Tân Xuân, huyện Hóc Môn. Trong tháng 11-2018, tuyên truyền, tư vấn ATGT tại Trường THPT Thạnh Lộc trên đường Hà Huy Giáp quận 12 và Trường THCS Tân Trung trên tỉnh lộ 8, huyện Củ Chi. Tháng 12 tổ chức tại Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp và Trường THCS Tân Xuân trên quốc lộ 22, thuộc huyện Hóc Môn. |