Nhiều giải pháp cung cấp nước ngọt ở các địa phương

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, tình trạng nắng nóng ở Nam bộ và Tây Nguyên sẽ kéo dài đến hết tháng 5, cao điểm là trong tháng 4, nên tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt sẽ diễn ra nghiêm trọng; đồng thời hiện tượng xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL sẽ căng thẳng hơn.

Người dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến lấy nước tại điểm cấp nước công cộng. Ảnh: NGỌC PHÚC
Người dân huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến lấy nước tại điểm cấp nước công cộng. Ảnh: NGỌC PHÚC

Tiết kiệm nước, điện, để chống thất thoát

Tại buổi khảo sát, kiểm tra tình hình cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giuộc (Long An) vào ngày 9-4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm yêu cầu huyện Cần Giuộc khẩn trương mở lại các giếng dự phòng đã lấp để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, tập trung đưa nước về huyện Cần Giuộc, nơi đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Ngày 9-4, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam ký văn bản yêu cầu Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre giảm giá nước, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong bối cảnh hạn mặn đang diễn ra gay gắt. Cụ thể, giảm 10% hóa đơn tiền nước cho kỳ tháng 4 và kỳ tháng 5-2024 cho tất cả các mục đích sử dụng nước.

Cùng ngày, UBND TP Hà Tiên (Kiên Giang) có tờ trình gửi UBND tỉnh Kiên Giang về việc bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn trong mùa khô 2024, nhất là tại xã đảo Tiên Hải. Trong đó, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang xem xét hỗ trợ 2 tỷ đồng, thuê sà lan vận chuyển khoảng 20.000m3 nước ngọt ra xã đảo Tiên Hải, để người dân trên đảo có nước sinh hoạt từ nay đến hết mùa khô.

Trao đổi với PV Báo SGGP ngày 9-4, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận cho biết đang tuyên truyền, vận động người dân huyện Hàm Thuận Nam không chong đèn thanh long trái vụ; thực hiện tưới tiết kiệm, mở rộng thêm ao, khoan giếng, đắp các cản, đập tạm trên suối để tích trữ nguồn nước.

UBND tỉnh Bình Phước vừa triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu thủ trưởng các sở ngành; chủ tịch UBND các huyện thị xã, thành phố và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước; điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, chuyên viên Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), cho biết, từ ngày 10 đến 12-4, đoàn công tác của Cục Thủy lợi sẽ làm việc với các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và Đắk Lắk về công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023-2024. Theo kế hoạch, đoàn kiểm tra thực địa một số khu vực khó khăn về nguồn nước; nắm thực trạng về nguồn nước, hạn hán, thiếu nước mùa khô 2023-2024; kế hoạch đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sạch nông thôn, khó khăn, vướng mắc, qua đó tìm giải pháp tháo gỡ cho địa phương.

Ngày 9-4, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, đã phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam triển khai dự án hành động sớm với thiên tai ở Việt Nam. Địa bàn thực hiện dự án là 6 tỉnh ven biển miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên) với loại hình thiên tai bão và lũ lụt; tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên với hạn hán và 5 tỉnh ở ĐBSCL (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang) với hạn hán và xâm nhập mặn.

J7a.jpg
Đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam trao tiền mặt hỗ trợ người dân tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn

Nam bộ và Tây Nguyên tiếp tục nắng nóng

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, hiện nay độ mặn cao nhất tại các trạm phổ biến ở mức cao hơn độ mặn cao nhất trong tháng 4-2023. Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở khu vực Nam bộ tập trung trong hai tháng 4 và 5-2024 (nhất là trong các đợt từ ngày 8 đến 13-4, từ ngày 22 đến 28-4 và từ ngày 7 đến 11-5).

Theo các chuyên gia khí tượng, chiều 9-4, nhiệt độ đo tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) lên tới 38,40C. Đây là nhiệt độ cao nhất kể từ đầu mùa nắng nóng và từ đầu năm 2024 đến thời điểm này. Ngày 10 và 11-4, khu vực Nam bộ tiếp tục nắng nóng, độ ẩm phổ biến giảm sâu hơn (còn 45%-50%). Khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trên 350C. Không chỉ nắng nóng, triều cường ở phía Đông của Nam bộ xuất hiện trở lại.

Ngày 9-4, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xuất hiện mưa phùn trong buổi sáng đã xua đi sự oi bức do nắng nóng kéo dài nhiều ngày trước đó. Cơn mưa không lớn nhưng kéo dài suốt buổi sáng đã tạo điều kiện cho hoa màu hồi sinh.

Đảm bảo mọi người dân nông thôn đều có nước sạch

Ngày 9-4, tại tỉnh Cà Mau, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ phát động Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024 với chủ đề “Đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu” và kích hoạt gói cứu trợ tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau.

Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, ở thời điểm hiện tại, nhiều vùng trên cả nước không cân đối được nguồn nước tại chỗ do hạn hán gay gắt.

Do đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức cá nhân và các địa phương hãy biến tinh thần của Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường thành các hoạt động thiết thực và hiệu quả, hướng đến mục tiêu là mọi người dân, đặc biệt là người dân nông thôn đều được tiếp cận một cách bình đẳng và công bằng về nước sạch, cũng như môi trường.

Dịp này, Bộ NN-PTNT phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam kích hoạt gói hỗ trợ tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau.

Tin cùng chuyên mục