Chiều 1-4, chương trình hội thảo “Du lịch golf Việt Nam: Tiềm năng và thách thức” đã được tổ chức tại Hà Nội với mục tiêu đưa du lịch golf trở thành một ngành mũi nhọn của du lịch Việt Nam.
Những năm gần đây, du lịch golf là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trong du lịch. Du lịch golf có những tác động tích cực đến kinh tế, xã hội và môi trường; có sự liên kết nhất định giữa phát triển du lịch golf và bất động sản du lịch...
Theo nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam hiện đang có doanh thu du lịch golf cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên việc chơi golf, thu hút các giải golf chuyên nghiệp cũng như phát triển loại hình du lịch golf ở Việt Nam mới đang trong những bước khởi đầu, dù đã có cơ sở hạ tầng và cơ chế tốt.
Các chuyên gia nhận định còn nhiều dư địa phát triển du lịch golf tại Việt Nam PGS TS Trần Hiếu - Viện trưởng Viện Khoa học TDTT - Tổng cục Thể thao du lịch phân tích: “Số liệu thống kê của Hiệp hội du lịch golf Việt Nam, trong số hơn 15,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2018, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf hay kết hợp mục đích chơi golf chỉ chiếm khoảng 0,8%. Thị trường khách du lịch golf chính đến Việt Nam hiện nay là khách Hàn Quốc, tiếp đến là Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Nếu nhìn vào số liệu khách du lịch golf trên phạm vi toàn cầu và định hướng thị trường khách quốc tế trọng điểm đến Việt Nam trong thời gian tới, thực trạng và hướng phát triển golf, hoàn toàn có thể khẳng định du lịch golf Việt Nam còn có dư địa lớn để phát triển, thu hút nhiều khách đến từ các thị trường du lịch golf của Mỹ, Tây Âu và Đông Bắc Á. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để chúng ta có thể thu hút thị trường, phát triển du lịch golf. Phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf sẽ là một đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong những năm tới và để làm được điều này cần tập trung thực hiện một số giải pháp”.
Để loại hình này có thể phát triển mạnh hơn đúng với tiềm năng, ông Trịnh Thành- Trưởng Ban thi đấu Hiệp hội du lịch golf Việt Nam đề xuất xây dựng nhiều sản phẩm kết hợp phát triển với các ngành du lịch, tạo nên những gói dịch vụ kết hợp du lịch golf, du lịch nghỉ dưỡng, thu hút du khách trong và ngoài nước hướng tới sự chuyên nghiệp và đẳng cấp. "Du lịch golf cần sự kết nối của các công ty lữ hành với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... Cùng đó, loại hình này cũng cần tăng cường sự kết nối, giao lưu giữa các câu lạc bộ golf...", ông Trịnh Thành nói.
Để phát huy hơn nữa thế mạnh loại hình du lịch này, nhiều chuyên gia cũng đề xuất đẩy mạnh hơn nữa quảng bá, tăng sự gắn kết giữa các sân golf, tạo thành vành đai, tour tuyến không chỉ đón khách du lịch nước ngoài mà còn cả khách du lịch trong nước, để tạo thêm trải nghiệm cho những du khách chơi golf.
PHƯƠNG ANH