Cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh quốc tế
Theo các chuyên gia, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tiếp cận nguồn tài chính xanh; đồng thời đưa ra các cách thức, giải pháp cụ thể để Việt Nam có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh nhằm giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bà Vũ Tường Anh, chuyên gia năng lượng, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), cho biết, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26-2021 (COP 26) đã tạo điều kiện tăng nguồn vốn cho các thị trường mới nổi. Trái phiếu xanh đạt 354,2 tỷ USD cuối quý 3-2021, vượt qua con số của năm 2020. Việc phát hành trái phiếu xanh có gắn nhãn bao gồm nhãn xanh, xã hội và bền vững đạt 767,5 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2021...
Đây là cơ hội lớn cho công ty và dự án ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam. Các công ty ở Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc phát triển dự án xanh, mang lại tín dụng carbon chất lượng và thêm lợi nhuận tiền tệ từ các nỗ lực thực hiện dự án xanh (ngoài việc tiết kiệm chi phí từ tiết kiệm tài nguyên).
Bà Vũ Tường Anh cho biết thêm, dự án hiệu quả tài nguyên trong ngành dệt may, da giày của IFC đang triển khai tại Việt Nam là một ví dụ dự án tốt cho tín dụng xanh. Dự án thúc đẩy cách tiếp cận tổng hợp, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả nguồn lực trong chuỗi cung ứng dệt may, da giày. Hợp tác với các thương hiệu toàn cầu hàng đầu để thu hút hơn 100 nhà cung cấp da giày, dệt may địa phương tham gia vào thực hiện REF, sử dụng năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Dự án sử dụng hiệu quả tài nguyên giúp nhà cung cấp dệt may tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải. Đồng thời có khả năng tạo ra tín chỉ carbon chất lượng để bán trên thị trường carbon tự nguyện quốc tế, đặc biệt cho các thương hiệu lớn trên toàn cầu đang tìm kiếm tín chỉ carbon trong chuỗi cung ứng của họ.
Ông Barjor Mehta, chuyên gia trưởng về đô thị thuộc Ngân hàng Thế giới, cũng cho biết, có 21% trong số 2.000 công ty lớn trên thế giới với doanh thu trên 14.000 tỷ USD đã cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Nhà đầu tư ngày càng tích hợp các chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào việc ra quyết định; 33% tài sản toàn cầu được quản lý trong quỹ có xem xét các chỉ số ESG trong quá trình đầu tư. Các doanh nghiệp cũng ngày càng tập trung vào 3 loại hoạt động chính để giảm lượng khí thải carbon, gồm tăng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, chuyển sang năng lượng tái tạo.
Giảm phát thải với dự án xanh
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Thương mại (INTRACO), cho biết, Công ty CP Phát triển và Xúc tiến đầu tư bền vững (SIPCO, thuộc INTRACO) đã ký kết hợp tác thỏa thuận với Citigroup phát triển dự án chống biến đổi khí hậu, bao gồm “Chương trình bếp sạch Việt Nam” và “Chương trình cung cấp nước uống an toàn cho người dân”. Chương trình sẽ thực hiện trên 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Dự án dự kiến sẽ tạo ra khoảng 26,6 triệu tín chỉ carbon tự nguyện từ việc phân phối khoảng 850.000 bếp và 364.000 máy lọc nước cho các hộ gia đình.
Bếp nấu cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của hộ gia đình thông qua việc giảm sinh khối dễ cháy cần thiết cho các hoạt động gia đình hàng ngày như nấu ăn và sưởi ấm; trong khi máy lọc nước có thể loại bỏ nhu cầu đun sôi nước để tiêu dùng an toàn. Cả hai loại thiết bị đều được công nhận theo phương pháp luận giảm thiểu carbon đã được thiết lập tốt với các lợi ích xã hội bổ sung, sâu rộng. Theo hợp đồng đã ký, SIPCO sẽ nhận 20,8 triệu USD và chuyển giao cho Citigroup 7,9 triệu tín carbon trong 3 năm 2022, 2023 và 2024. Số tín chỉ carbon chuyển giao có giá trị 79 triệu USD, với giá thị trường hiện tại 10 USD/tín chỉ carbon. Cũng theo ông Dũng, các thương vụ giao dịch carbon không chỉ giúp việc bảo vệ môi trường tốt hơn mà còn mang lại lợi nhuận trực tiếp cho doanh nghiệp.
Phát triển theo xu hướng này, ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group, cho biết, cuối năm 2021, Vũ Phong Energy Group, Công ty CP Xây dựng 47 và INTRACO đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác “Chương trình cung cấp các trạm nước uống hợp vệ sinh và các chương trình giảm phát thải khí nhà kính khác”. Mục tiêu của chương trình là xây dựng và lắp đặt khoảng 1.000 trạm lọc nước/năm tại nhiều tỉnh thành, mỗi trạm có công suất 2.000 lít/giờ, để nhiều người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình chính sách được tiếp cận nguồn nước uống an toàn, hợp vệ sinh. Sau đó, dự án có thể mở rộng sang lĩnh vực trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái biển. Với việc tạo nên các dự án theo cơ chế phát triển bền vững, chương trình sẽ mang lại doanh thu từ tín chỉ carbon, bên cạnh các lợi ích cộng đồng và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Phong cũng nhìn nhận, sự hợp tác của các bên có ý nghĩa đánh dấu một cột mốc quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái các doanh nghiệp với những dự án thiết thực vì lợi ích cộng đồng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu về tài nguyên nước, an ninh nguồn nước. Chương trình này đồng thời là sự chung tay hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo tinh thần cam kết của Chính phủ tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.