Nhiều dư địa để phát triển sản phẩm dành cho khách du lịch cao cấp

Ngày 11-10, tại Hà Nội, Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo “Sản phẩm nào cho khách du lịch cao cấp đến Việt Nam?”, nhằm đưa ra các giải pháp để du khách được trải nghiệm chất lượng dịch vụ cao cấp với mức phí chuẩn, tạo ấn tượng tốt đẹp, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt tại khu vực. 

Các đại biểu tham dự hội thảo
Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của các nhà quản lý về du lịch, các chuyên gia kinh tế, du lịch, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch cao cấp tại Việt Nam.

Từ nhiều năm qua, người làm du lịch luôn trăn trở tìm cách định vị thương hiệu du lịch Việt dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng.

Theo nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, du lịch Việt đang phục hồi mạnh mẽ. Việt Nam đã đón nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó có những đoàn có mức chi tiêu cao ở các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Trung Đông, châu Âu, Mỹ đã đến Việt Nam.

“Chúng ta cũng ghi nhận mức chi tiêu của các đối tượng khách này đang tăng dần. Nhưng để tối ưu nguồn thu, thu hút dòng khách cao cấp đòi hỏi không phải từ một phía mà cần sự chung tay từ nhiều phía”, nhà báo Trần Xuân Toàn bày tỏ.

0ad5c1bb298b90d5c99a.jpg
Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành du lịch

Chung nhận định, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ An Phong cũng chỉ rõ câu chuyện về sản phẩm nào dành cho dòng khách cao cấp đến Việt Nam là vấn đề đáng quan tâm ở thời điểm hiện tại.

Kết quả thống kê hoạt động du lịch 9 tháng đầu năm rất tích cực khi Việt Nam đón hơn 12,7 lượt khách quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ.

Thứ trưởng Hồ An Phong cũng cho rằng, chỉ số phục hồi du lịch qua số lượng du khách là rất ấn tượng, tuy nhiên quan trọng hơn nữa là nâng cao được chất lượng của khách đến Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, cần có giải pháp để khách chi tiêu cao hơn, lưu trú dài hơn, phù hợp văn hóa truyền thống, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển theo. Và ngành du lịch cần nhiều sự hiến kế từ các chuyên gia, doanh nghiệp… những người đang trực tiếp hoạt động trong ngành dịch vụ không khói này, để thu hút khách du lịch có chi tiêu cao.

Từ kinh nghiệm của một trong những người tiên phong xây dựng tour xem chim tại Việt Nam, ông Hoài Bảo, Công ty du lịch Wildtour cho biết, du lịch khám phá động vật hoang dã, trong đó có xem chim, chụp ảnh chim là một trong những sản phẩm dành cho nhóm khách hàng có chi tiêu cao.

Con số thống kê cho thấy, 45 triệu người Mỹ đi du lịch xem chim và họ chi tiêu khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Ở châu Âu, ước tính khoảng 2 triệu người xem chim và người Anh chi tiêu cho xem chim khoảng 1 tỷ USD/năm.

Cũng theo ông Hoài Bảo, Việt Nam với khoảng 950 loài chim là một tài nguyên vô cùng lớn mà chưa nhiều doanh nghiệp du lịch trong nước tham gia khai thác.

bai bien 2.jpg
Đám cưới ngoài bãi biển là một sản phẩm du lịch thu hút nhiều khách hàng hạng sang

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, xây dựng sản phẩm du lịch cao cấp cần phải chú ý đến sự khác biệt, cảm xúc của du khách, trong đó cần phải triển khai du lịch xanh.

“Chúng ta phải phát triển du lịch xanh, hướng về môi trường trước khi nói đến sự cao cấp. Bên cạnh đó, phải tập trung đào tạo chất lượng dịch vụ; cần quan tâm đến yếu tố văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm”, ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.

Nhiều chuyên gia, người làm du lịch cũng chỉ ra, Việt Nam có nguồn tài nguyên hết sức quý giá, từ tài nguyên thiên nhiên đến tài nguyên văn hóa… Đó là nền tảng để có những sản phẩm du lịch hết sức hấp dẫn, độc đáo đối với khách du lịch, song vẫn còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ để thu hút dòng khách đặc biệt này.

Theo nghệ nhân ẩm thực Phạm Ánh Tuyết, Việt Nam có tiềm năng về ẩm thực rất lớn nhưng tới thời điểm này, vị trí của ẩm thực trong du lịch vẫn chưa được đặt đúng tầm mức. Do vậy, rất cần sự đầu tư có bài bản, từ xây dựng câu chuyện đến lan tỏa ý nghĩa, giá trị của ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế rộng và có chiều sâu hơn.

“Đã đến lúc phải nhìn lại giá trị của ẩm thực Việt trong tổng thể chung định hướng phát triển du lịch”, bà Ánh Tuyết nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến đều cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch dành cho khách hàng có chi tiêu cao, song để có thể khai thác được thế mạnh này cần phải nghiên cứu kỹ hơn nhu cầu của mỗi nhóm khách. Từ đó, xây dựng những sản phẩm có tính chuyên biệt dành cho những khách hàng có "gu" này.

Tin cùng chuyên mục