Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua. Điều này cũng đã mở ra nhiều dư địa thị trường cho DN tăng tốc sản xuất, nhất là DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Hàng trăm mặt hàngchờ nhà cung ứng
Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM, chia sẻ, hiện trung tâm đang tiếp nhận khoảng 700 mặt hàng, trang thiết bị, linh kiện, sản phẩm CNHT cần cung ứng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối.
Đơn cử, Tập đoàn Techtronic Tools Việt Nam (TTI) đang cần cung ứng số lượng lớn đơn hàng là các sản phẩm như mô tơ, ốc vít, bo mạch, công tắc, máy móc, gia công cơ khí, đúc nhôm, lò xo, dây nguồn… Hiện tập đoàn này đã đầu tư 3 nhà máy sản xuất tại TPHCM, tỉnh Đồng Nai và có nhu cầu tìm kiếm khoảng 200 DN cung ứng sản phẩm CNHT trong nước từ nay đến năm 2025. Được biết, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm CNHT của Tập đoàn TTI mới đạt 40% nhu cầu, số còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tương tự, nhiều tập đoàn FDI lớn như Tập đoàn Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Công ty TNHH Bosch Việt Nam, Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam, Công ty Platinum… đang đầu tư và mở rộng tại Việt Nam cũng đang ráo riết săn lùng nguồn cung ứng sản phẩm CNHT trong nước. Đây là dư địa thị trường hết sức tiềm năng để các DN Việt gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó có cơ hội để nâng cao năng lực sản xuất.
Tuy nhiên, các DN Việt cho rằng để có thể cung ứng đơn hàng cho các DN FDI không phải dễ. Ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), cho biết, để Công ty CNS Amura - công ty thành viên của CNS có thể trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Tập đoàn Samsung về chế tạo khuôn mẫu, công ty đã phải đầu tư 340 tỷ đồng để cải tạo toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất. Chưa hết, lực lượng lao động cũng phải được tái đào tạo cho phù hợp với yêu cầu vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất mới. Đây vốn là điều không dễ dàng với nhiều DN Việt.
Ở khía cạnh khác, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí điện TPHCM, chia sẻ thêm, để khắc phục nhược điểm của DN sản xuất sản phẩm CNHT trong nước là nhỏ về quy mô, yếu về vốn và chỉ có thể tham gia là nhà cung ứng cấp thấp, nhiều DN đã chủ động liên kết với nhau để tạo sản phẩm CNHT đa chi tiết “make in Vietnam”. Cách làm này tuy có chút khó khăn do phải kết nối nhiều DN lại với nhau, tuy nhiên, điều này thực sự cần thiết và đem lại những giá trị cao hơn cho các DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI.
Cần tháo gỡ nút thắt về vốn
Cùng với những nỗ lực của các DN trong nước, vừa qua, Bộ Công thương triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Theo đó, trước mắt, các trung tâm sẽ tập trung hỗ trợ các DN có năng lực sản xuất linh kiện, khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Từ đó, hỗ trợ các DN kết nối giao thương với các DN Nhật Bản và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Về phía Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM cũng cho rằng, năng suất của các DN CNHT trong nước còn khá thấp, thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, việc cấp vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó, thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng và giá rẻ ở nước ngoài…
Do vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ vốn cho DN để thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng tại TPHCM, UBND TPHCM cần sớm tạo quỹ đất phù hợp với chi phí thấp để DN ngành CNHT tăng khả năng cạnh tranh, từ đó có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, hiện thành phố dự kiến thành lập khu công nghiệp mới với tên gọi “Khu CNHT ứng dụng công nghệ cao”. Tuy nhiên, tiến độ đầu tư cần đẩy nhanh. Mặt khác, để giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng cho DN ngành CNHT, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ chi phí cho các chủ đầu tư hạ tầng để đổi lại sự ràng buộc về giá cho thuê thấp. Có như vậy mới kỳ vọng tạo nội lực để các DN ngành CNHT bứt phá phát triển trong thời gian tới.
Ông Daniel Fitzpatrick, Trưởng Dự án Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho DN nhỏ và vừa ngành CNHT, cho biết thêm, năm 2018, chúng tôi đã triển khai “Dự án Thúc đẩy tiếp cận tài chính cho DN nhỏ và vừa ngành CNHT. Mục tiêu ban đầu của dự án là nhằm hỗ trợ kết nối giữa các DN FDI đầu cuối với các DN sản xuất nhỏ và vừa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy các DN sản xuất cần được hỗ trợ vốn để có thể gia tăng nội lực cung ứng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các DN FDI đầu cuối.
Do vậy, chúng tôi đã làm vệc với các tổ chức tài chính trên thế giới nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn đầu tư lãi suất ưu đãi dành cho DN. Đến nay, chúng tôi đã đưa ra chính sách hỗ trợ vốn cho DN với mức vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Thời gian vay vốn tối đa không quá 7 năm, thời gian ân hạn cho một dự án (vay vốn trung và dài hạn) tối đa là 2 năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn là 2,16%/năm, trung hạn và dài hạn là 4%/năm. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để DN có thể bắt nhịp chuyển đổi, gia tăng cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.