Thủ tục rườm rà
Đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA hoặc vốn vay ưu đãi, đặc biệt là các dự án xây dựng đường sắt đô thị, thường có một hoặc nhiều nhà tài trợ, quá trình triển khai phải tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam (Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các luật khác có liên quan), vừa phải theo quy định của nhà tài trợ theo điều ước quốc tế được ký kết và chịu sự quản lý, giám sát của cả hai bên.
Một số quy định về đầu tư công theo luật pháp Việt Nam có sự khác biệt so với các quy định của các nhà tài trợ, nên phải mất nhiều thời gian xin ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ về các nội dung có liên quan. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Tiến độ thực hiện dự án ODA chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giải ngân vốn ODA. Đồng thời, do quá trình giải ngân chậm nên hiệu quả và hiệu suất đầu tư từ nguồn vốn ODA đối với nhiều dự án bị giảm sút, chưa kể phải trả thêm khoảng phí cam kết cho số vốn chưa được giải ngân.
Hiện nay, vốn ODA của các nhà tài trợ chủ yếu tập trung cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, với tổng vốn đầu tư tương đương hơn 104.000 tỷ đồng. |
Cộng thêm, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước, thoát nước, điện thoại, cáp viễn thông… thường chằng chịt, đan xen, nên quá trình thi công có nhiều phát sinh hay sự cố không lường trước được. Một số gói thầu do vướng công trình ngầm nên buộc phải thay đổi thiết kế so với ban đầu để phù hợp với hiện trạng.
Bên cạnh đó, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật do nhiều cơ quan chuyên ngành quản lý nên công tác bồi thường, di dời mất rất nhiều thời gian, do phải trải qua trình tự thủ tục được quy định bởi cơ quan quản lý chuyên ngành và phải phối hợp với nhiều cơ quan. Chủ đầu tư không chủ động giải quyết được các hoạt động này mà phải phụ thuộc vào các đơn vị quản lý chuyên ngành.
Khó giải ngân
Ngoài những khó khăn vướng mắc trên, nhiều dự án sử dụng vốn ODA hiện nay cũng gặp khó khăn do yêu cầu giải ngân thực tế luôn cao hơn so với kế hoạch vốn đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Nhiều gói thầu có khối lượng đã được nghiệm thu nhưng không thể giải ngân, thanh toán cho các tư vấn và nhà thầu, điều này có thể dẫn đến khiếu kiện của một số nhà thầu nước ngoài.
Để giải quyết cấp bách khó khăn này, UBND TPHCM đã tạm ứng từ ngân sách thành phố để chi trả cho các nhà thầu, với tổng số tiền là 3.273 tỷ đồng (4 đợt). Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng các gói thầu chính gặp rất nhiều khó khăn liên quan như giải phóng mặt bằng, xử lý tình huống trong đấu thầu, điều chỉnh dự án, thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán, vướng vật cản trong quá trình thi công ngầm… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của các nhà thầu về gia hạn bổ sung thời gian thực hiện hợp đồng và bồi thường các chi phí phát sinh.
Nhằm xử lý các khiếu nại, khiếu kiện của các nhà thầu, chủ đầu tư đã nhiều lần phối hợp đơn vị tư vấn chung của dự án và các nhà thầu chính, tổ chức họp, đàm phán nhằm đi đến thỏa thuận. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa thống nhất được đối với nhiều khiếu nại hiện có của nhà thầu.