Trong đó, dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ, không thể về đích đúng hẹn vào tháng 5-2024. Tính đến tuần đầu tháng 7-2024, sản lượng thi công dự án mới đạt hơn 92% giá trị hợp đồng với 4/6 cầu được hoàn thành.
Hiện công trình cầu Đa Phúc (phía TP Hà Nội), mặt bằng phần đường vẫn còn vướng 18 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. Dự kiến, công tác cưỡng chế, bảo vệ thi công sẽ được thực hiện từ tháng 7-2024. Bộ GTVT đã phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến tháng 3-2025.
Tương tự, dự án thành phần 1 thuộc dự án Vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 cũng đang chậm tiến độ. Theo báo cáo, đến đầu tháng 7-2024, sản lượng thi công toàn dự án đạt xấp xỉ 57%, chậm khoảng 7,7% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mặt bằng và thiếu vật liệu cát đắp nền đường.
Đặc biệt, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc đang bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng và công tác chọn nhà thầu kéo dài. Dự án này có tổng mức đầu tư 6.018 tỷ đồng, khởi động từ năm 2019, mục tiêu xây dựng 2 tuyến đường kết nối tỉnh Lai Châu và huyện Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhằm rút ngắn hành trình từ các tỉnh miền núi về Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện tiến độ bàn giao mặt bằng dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc mới đạt khoảng 40% và có 4 gói thầu đến tháng 6-2023 mới ký được hợp đồng. Tính đến thời điểm này, sản lượng thi công dự án mới đạt gần 39%, không thể hoàn thành vào năm 2024 theo kế hoạch.
Một số dự án khác như: dự án tuyến tránh TP Cao Bằng; dự án QL6 tuyến tránh TP Hòa Bình; dự án nâng cấp QL12A qua Quảng Bình; dự án nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình trên QL20, tỉnh Lâm Đồng; dự án QL14B, TP Đà Nẵng; dự án QL4B đoạn Km18 - Km80, tỉnh Lạng Sơn… cũng đang chậm tiến độ.