Nhiều dự án giao thông chậm tiến độ

Ngày 2-5, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ thi công Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua TP Cà Mau.

Tiến độ thi công đoạn đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu cát. Ảnh: TẤN THÁI
Tiến độ thi công đoạn đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau chậm tiến độ do thiếu cát. Ảnh: TẤN THÁI

Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài hơn 73km; trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau dài 21,9km; đã bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ 100%. Về tiến độ, hiện còn nhiều đoạn chỉ mới đắp khuôn hộ, chưa có cát để san lấp; nhiều vị trí xây dựng cầu chưa đạt tiến độ… Lý giải về vấn đề này, các chủ thầu xây dựng cho biết, do năng lực khai thác cát hạn chế khiến việc cung cấp cát cho công trình bị ảnh hưởng.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu nhà thầu rà soát cụ thể, đầy đủ, chính xác tiến độ dự án, từ đó tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc. Theo ông Nguyễn Tiến Hải, 2 dự án trên là công trình trọng điểm quốc gia, những gì khó khăn, vướng mắc phát sinh phải được báo cáo đầy đủ, kịp thời để có giải pháp xử lý dứt điểm, sớm đưa công trình hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng.

* Cùng ngày, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã có văn bản gửi UBND tỉnh Gia Lai về tham gia ý kiến phương án đầu tư đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. UBND tỉnh Bình Định cơ bản thống nhất các nội dung về phương án đầu tư đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai bổ sung nội dung “phân tích và kiến nghị đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công” để có cơ sở làm việc với Bộ GTVT.

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Định, dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 143km, đã được đề xuất phương án vốn 44.200 tỷ đồng, theo hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, sau khi tính toán lại phương án tài chính, các tỉnh cho rằng đầu tư PPP khó khả thi, không hiệu quả. Mới đây, làm việc với Bộ GTVT, phía tỉnh Gia Lai đề xuất giảm vốn dự án xuống còn 37.600 tỷ đồng (giảm 6.600 tỷ đồng) và thay đổi hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Do vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị UBND tỉnh Gia Lai sớm đăng ký làm việc với các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT để thống nhất phương án sử dụng vốn và đầu tư dự án.

* Ngày 2-5, Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm này, có 3 dự án giao thông sử dụng vốn ODA đang bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc có kế hoạch về đích tháng 12-2024, nhưng đến nay sản lượng thi công mới đạt 32%, chậm 11% so với kế hoạch. Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ dự kiến hoàn thành tháng 5-2024, nhưng đến nay mới đạt gần 88%, chậm 3%. Dự án thành phần 1A thuộc dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành tháng 9-2025, hiện mới đạt sản lượng hơn 48%, chậm khoảng 11%, do mặt bằng ở phía tỉnh Đồng Nai mới bàn giao 81%.

Tin cùng chuyên mục