Sáng 1-11, tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM cho biết, từ năm 2014 đến nay toàn TP đã tiếp nhận 101.435 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, cơ quan tư pháp và cơ quan của Đảng.
Đáng chú ý, có 18.491 đơn thư không đủ điều kiện xử lý, hơn 50% đơn thư đủ điều kiện xử lý gửi đến cấp quận huyện; tỷ lệ đơn thư đủ điều kiện đã xử lý hầu hết đạt 100%.
Theo báo cáo của UBND TP, hầu hết thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch UBND 24 quận huyện đã chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân, tăng cường đối thoại để lắng nghe và kịp thời giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân.
Tại hội nghị, các phát biểu tham luận của đại diện lãnh đạo Hội Nông dân TP, Công an TP, Thanh tra TP, UBND các quận 7, 9 nêu lên một số kinh nghiệm trong xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp; công tác tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo; sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong tiếp dân, đối thoại, giải quyết các vụ việc tại địa bàn…
Theo lãnh đạo Công an TP, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thời gian qua tuy giảm về số vụ, nhưng lại tăng ở mức độ, tính chất phức tạp; nhiều đối tượng kích động dân đi khiếu kiện đất đai để vụ lợi; có yếu tố các tổ chức phản động trong và ngoài nước lôi kéo, tổ chức đi khiếu nại đông người để quay phim, chụp hình tung lên mạng xã hội, gây áp lực cho các cơ quan hành chính Nhà nước và phục vụ mưu đồ phá hoại…
Trong công tác tiếp công dân gắn với giải quyết các vụ việc khiếu nại, theo Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy, điều quan trọng nhất là phải chú ý đến phân loại, đánh giá đúng thực chất từng nội dung, vì thực tế có tình trạng “đánh trống ghi tên” qua chuyện nhân danh trong đơn thư là tập thể cán bộ, công chức, tập thể bà con khu phố, đại bộ phận người dân… nhưng thực chất chỉ là số ít.
Theo ông Bảy, qua phân loại đơn thư còn giúp nhận diện được đâu là vụ việc nhiều người, cùng khiếu nại, kiến nghị, đâu là mạo danh, đâu là bức xúc chính đáng của công dân để có biện pháp xử lý ngay từ khâu tiếp nhận đơn thư. Khi đã nhận diện đúng tính chất vụ việc thì có cách giải quyết ngay từ ở cấp cơ sở, hoặc quận huyện, dù thẩm quyền giải quyết thuộc ở cấp trên…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Huỳnh Cách Mạng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc thực hiện Luật Tiếp công dân 3 năm qua; nhấn mạnh yêu cầu của công tác tiếp công dân cần lắng nghe, trao đổi, hướng dẫn và giải quyết cụ thể, dứt điểm từng vụ việc, không để dây dưa, kéo dài thành vụ việc phức tạp. Tiếp công dân định kỳ, đột xuất không nên nặng tính chính trị, hình thức, rồi để đó không giải quyết cho dân, làm cho dân bức xúc; gắn việc tiếp công dân với xem xét, giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai trên tinh thần thấu đáo về pháp lý, rõ ràng về nguồn gốc, mấu chốt phát sinh khiếu nại…
Nhân dịp này, UBND TPHCM đã tặng bằng khen cho 18 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai các quy định pháp luật về công tác tiếp công dân thời gian qua.