Theo Hiệp hội Bia rượu và Nước giải khát Việt Nam (VBA), do nhiều nguyên nhân khách quan, chỉ trong 3 năm trở lại đây, mức tăng trưởng sản lượng của ngành bia tại Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại.
Nếu như giai đoạn 2007-2011 tăng trưởng đạt 9,7%, thì giai đoạn 2012-2015 mức tăng trưởng chỉ đạt 7,3% và đến giai đoạn 2016-2018 chỉ còn 6,8%.
Mặc dù ngành bia trong nước có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước, nhưng các chuyên gia trong ngành nhận định, thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ dân số trẻ và thu nhập tăng.
Nguyên nhân là do thị trường lớn và ngày càng mở rộng, bia và đồ uống có cồn cũng được xem là thị trường chậm bão hòa so với nhiều ngành kinh doanh khác. Điều này đã thu hút hàng loạt ông lớn trong và ngoài nước muốn có phần tại thị trường giàu tiềm năng này.
Theo thông kê từ VBA, ngành bia Việt Nam có khoảng 110 doanh nghiệp sản xuất, phân bổ rộng khắp các vùng miền, với sản lượng sản xuất bia toàn ngành đứng tốp 10 thế giới.
Riêng sản lượng sản xuất bia năm 2018, toàn ngành đạt khoảng 4,3 tỷ lít, sản lượng tiêu thụ ước đạt 4,2 tỷ lít bia. Do sức hấp dẫn lớn nên các thương hiệu bia hàng đầu thế giới đều “đổ bộ” vào Việt Nam như Heineken, Tiger, Carlberg, Budweiser, Sapporo…
Bên cạnh các thương hiệu bia ngoại, các doanh nghiệp bia nội cũng không ngừng phát triển, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng như Sabeco, Habeco, Huda, Sagota…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bia nội đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu bia ngoại. Các hãng bia lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam, cùng với chiến lược marketing toàn cầu để tăng thị phần, đã tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên doanh nghiệp sản xuất bia trong nước.
Để cạnh tranh, các hãng sản xuất bia nội đã liên tục đưa ra chiêu khuyến mãi, tặng quà, tặng xe cho người dùng; đồng thời nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm mới chất lượng hơn để thu hút khách hàng.