Theo đó, về phía Tập đoàn Fast Retailing (doanh nghiệp có chuỗi cửa hàng Uniqlo) cho biết, sẽ làm việc với các doanh nghiệp trong nước để tổ chức tuần lễ thời trang hàng Việt trong chuỗi cửa hàng này. Trước mắt, triển khai cho toàn bộ hệ thống cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam, đây cũng là cơ sở để triển khai rộng ra toàn bộ hệ thống cửa hàng Uniqlo toàn cầu.
Cùng với đó, tập đoàn này cũng đề nghị Bộ Công thương và Hiệp hội dệt may Việt Nam tạo điều kiện để tập đoàn gia tăng nguồn cung ứng sản phẩm dệt may từ doanh nghiệp trong nước, đồng thời mở rộng hệ thống phân phối tại Việt Nam. Hiện tập đoàn này đang hợp tác với 69 nhà máy gia công và 11 nhà máy cung cấp nguyên vật liệu tại Việt Nam. Các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam đang bày bán tại tất cả các cửa hàng Uniqlo toàn cầu.
Thực phẩm chế biến của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được ưa chuộng trên thị trường toàn cầu |
Trước đó, đại diện hệ thống AEONMALL với hơn 20.000 điểm bán trên toàn cầu cho biết đang gia tăng tìm kiếm nguồn cung ứng hàng hoá tại Việt Nam, nhất là sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh. Đơn vị này cũng cho biết, hàng hoá Việt Nam có giá thành cạnh tranh rất cao so với hàng hoá cùng loại của các quốc gia lân cận. Mặt khác, trong thời gian qua với sự hợp lực giữa bộ ngành chức năng liên quan và doanh nghiệp, thương hiệu hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường thế giới và được người tiêu dùng tại các thị trường này ưa chuộng. Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp Việt cần duy trì ổn định chất lượng sản phẩm cung ứng, đa dạng trọng lượng khi đóng gói. Đặc biệt là cần nỗ lực cải thiện mẫu mã bao bì và tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường khâu đóng gói sản phẩm.
Được biết, từ đầu năm đến nay, đã có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn gần 13,43 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có tổng vốn đầu tư đứng thứ 2 (sau Singapore có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD) với gần 2,21 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.