Cụ thể, Tổ hợp Samsung tại Việt Nam vừa đề nghị các bộ ngành và tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tổ hợp, nhất là Công ty Samsung Display Việt Nam về thủ tục đầu tư, để công ty có điều kiện mở rộng đầu tư, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 17 tỷ USD.
Tương tự, đoàn các nhà đầu tư đối tác của VinaCapital - đơn vị hiện quản lý tổng giá trị tài sản hơn 3,3 tỷ USD, cũng bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực khí thiên nhiên hóa lỏng LNG, công nghệ, du lịch, tiêu dùng và bất động sản.
Ngoài ra, hãng sản xuất thiết bị đeo tay thông minh Fitbit và thiết bị điện tử gia dụng Tile của Mỹ cho biết, cũng sẽ chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, để tránh thuế nhập khẩu mà Tổng thống Donald Trump áp đặt lên các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Sharp, Kyocera (Nhật Bản) và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang chuyển hướng mở nhà máy ở Việt Nam…
Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái của nhiều doanh nghiệp ngoại mong muốn đầu tư, mở rộng đầu tư vào Việt Nam là nhờ mới đây năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng tới 10 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, được xem là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất. Tuy nhiên, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện hơn nữa trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, gồm cả Trung Quốc, cũng đang có nhiều chính sách mới để thu hút đầu tư.