Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6-1 đến 4-2-2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị 10.812,1 tỷ đồng; trong đó, hàng BOTT là 4.211,8 tỷ đồng.
Cụ thể, sản lượng các nhóm hàng tết chuẩn bị tăng 13,2% - 16,9% so kế hoạch UBND TPHCM giao và tăng 23% - 36% so kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% - 58% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Kết quả thực hiện của các DN BOTT về doanh thu ước đạt 19.822 tỷ đồng, tăng 1.143 tỷ đồng (6,12%) so với kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018 (18.679 tỷ đồng). Trong đó, doanh thu hàng BOTT ước đạt 8.450,8 tỷ đồng, tăng 882,1 tỷ đồng (11,65%) so với Tết Mậu Tuất 2018 (7.568,8 tỷ đồng).
Cụ thể, tại Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), doanh thu trong những tuần cận tết đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng/tuần, tương đương tổng doanh thu trong 8 tuần kinh doanh tết của Saigon Co.op đạt con số gần 8.000 tỷ đồng. Đây doanh thu cao kỷ lục trong mùa tết của hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay trong mùa kinh doanh hàng tết. Để đạt được con số này, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết với tinh thần trách nhiệm cao, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã thực hiện tốt 5 cam kết quan trọng của đơn vị với người tiêu dùng và lãnh đạo UBND TPHCM vào mùa tết. Các cam kết bao gồm: không để thiếu hàng hóa và hàng bình ổn giá, không lo hàng hóa tăng giá, không quan ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; áp dụng công nghệ giúp khách hàng trải nghiệm thú vị và các hoạt động nghĩa tình với tổng cộng hơn 10.000 phần quà tết được trao cho các trường hợp khó khăn...
Ghi nhận tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers,… của Saigon Co.op, lượng khách mua sắm dịp tết tăng cao, những tuần cận tết lượng khách tăng gấp 4 lần. Khối lượng hàng hóa đặc trưng tết rất phong phú và giá phù hợp, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, các dịch vụ tiện ích và các món tết nấu sẵn tiện lợi được người tiêu dùng ưa chuộng, các loại trái cây, đặc sản các vùng miền hết sức đa dạng. Đặc biệt, suốt mùa tết không phát hiện hay ghi nhận trường hợp liên quan đến thực phẩm bẩn hoặc ngộ độc thực phẩm.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, cũng cho hay kết thúc mùa kinh doanh cao điểm tết, doanh thu nhóm hàng thực phẩm chế biến có tăng 15% so với cùng kỳ, tăng hơn kế hoạch đưa ra là tăng từ 10% - 12%, trong đó nhóm hàng thực phẩm tươi sống tăng 5%. Cụ thể, dịp tết 2019, Vissan đưa ra thị trường 3.200 tấn thịt tươi sống và 2.800 thực phẩm chế biến các loại. Ngoài ra, Vissan còn dự trữ thêm 15% - 20% sản lượng hàng hóa dự phòng nhằm đối phó với tình trạng thiếu hàng, tăng giá. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt tết năm nay là 800 tỷ đồng.
Công ty TNHH San Hà cũng thắng lớn vì cung ứng kịp thời cho thị trường tết nhiều sản phẩm có chất lượng như “gà ta Ngọc Hà”, “gà ta thảo mộc San Hà”. Công ty còn cung ứng ra thị truờng nhiều dòng sản phẩm chế biến từ thịt gia cầm như gà viên, gà rán, xúc xích, khô gà, lạp xưởng tươi, lạp xưởng khô mang thương hiệu San Hà. Trong khi đó, Công ty Sài Gòn Food chuẩn bị hơn 1.500 tấn thành phẩm cho mùa Tết Kỷ Hợi, cao hơn 40% so với Tết Mậu Tuất nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Theo đó, Sài Gòn Food ra mắt thị trường hơn 10 sản phẩm mới như cháo tươi, soup tươi bổ dưỡng, bữa ăn tươi ngày tết và đặc biệt là bộ sản phẩm lẩu gồm lẩu thái, lẩu hải sản, lẩu viên nhân sâm thảo mộc, lẩu cá lăng tương me - tượng trưng cho 4 mùa thịnh vượng, bình an, may mắn và hạnh phúc.
Theo ghi nhận chung, dịp Tết Kỷ hợi vừa qua, tỷ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống siêu thị chiếm 80% - 95%.