Ông Bùi Phú Vinh, thôn Hổ Tiếu, trồng 3 sào hoa lay ơn đỏ và vàng. Thế nhưng hiện tại cả 3 sào của ông Vinh đều bị hư hại nặng, lá vàng, bẹ lá tím, thối gốc rễ và phải nhổ bỏ.
Ông Vinh cho biết: “Cả mấy sào đều bị cháy lá phải nhổ bỏ hết, loại hoa lay ơn đỏ gần như hư hại 90%, chỉ có một số loại màu vàng còn giữ được”. Ông Vinh đã bón phân, chăm sóc nhưng không cứu vãn được vụ hoa tết. Ông phải trồng dặm thêm cây ớt để ra tết thì dọn hoa lay ơn, ớt kịp phát triển vụ mới.
Ông Vinh đầu tư hơn 25 triệu tiền củ giống lay ơn chưa kể công chăm sóc, phân bón..., giá củ giống ở mức 250.000 đồng/kg đối với hoa lay ơn đỏ và 70.000-80.000 đồng/kg đối với hoa lay ơn vàng. Theo ông Vinh, màu đỏ được ưu chuộng hơn nên nông dân đều trồng loại này, tuy nhiên diễn biến cây chết lại chủ yếu là hoa lay ơn đỏ, khiến nhiều nông dân mất trắng.
Bà Nguyễn Thị Điệp, thôn Hổ Tiếu, cũng trồng 2 sào hoa lay ơn, bà Điệp cho biết: “Hơn 80% diện tích hoa lay ơn trồng đồng ruộng đã hư hại nặng, cây hoa xuất hiện bệnh thối nhũn. Tôi đã bơm thuốc, bón phân dặm, chăm sóc kỹ nhưng không lại được. Mỗi sào hoa lay ơn đầu tư cả phân, thuốc, giống đến 20 triệu/sào, vụ tết năm nay như mất hết, không đủ vốn”. Bà Điệp trồng thêm hoa cúc, đu đủ và rau màu để bán trang trải dịp tết đến.
Theo ông Nguyễn Nhanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hà: “Khi phát hiện bệnh trên cây, nhiều nông dân đã bón phân chăm sóc nhưng do ảnh hưởng mưa nên chăm sóc không hiệu quả, hoa lay ơn không phát triển, nhiều nhà vườn phải nhổ bỏ”. Ông Nhanh cho biết, ngoài hoa lay ơn thì hoa cúc cũng gặp tình trạng tương tự, cúc dễ chết hơn khi bị bệnh nấm thối thân rễ. Hiện tại, toàn xã Nghĩa Hà có 11 thôn, đa phần các thôn đều có nghề trồng hoa tết, với diện tích tập trung 30ha, nhưng do tình trạng bệnh trên cây nên thiệt hại đến hơn 35% diện tích.