Làm giấy khai sinh chỉ bằng một cú click
Quận 5 (TPHCM) là nơi tọa lạc của nhiều bệnh viện (BV), trong đó BV Hùng Vương được đông đảo người dân lựa chọn để chăm sóc sức khỏe sinh sản. Năm 2022, UBND quận 5 cùng Công an quận 5, BV Hùng Vương ký kết công tác phối hợp thực hiện quy trình liên thông phục vụ người dân thực hiện đăng ký khai sinh, cấp mã định danh cá nhân và thẻ BHYT cho trẻ sơ sinh của 14 phường trên địa bàn quận. Mô hình cũng nhằm tuyên truyền, vận động người dân sử dụng ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với quy trình liên thông cấp giấy khai sinh, cấp mã định danh cá nhân, thẻ BHYT.
Tại các quầy hướng dẫn của BV Hùng Vương thường xuyên tiếp đón các sản phụ, người nhà sản phụ đến nghe hướng dẫn thủ tục đăng ký khai sinh trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Anh Đào (ngụ quận 5) cho biết, trước đây khi sinh bé đầu tiên, bà phải đến UBND phường nộp hồ sơ, mất khá nhiều thời gian. Hiện tại, khi bắt đầu nhập viện để chờ sinh, gia đình bà chuẩn bị đăng ký khai sinh trên dịch vụ công trực tuyến. Theo hướng dẫn, người dân chỉ thực hiện vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh là có thể đăng ký khai sinh ngay.
Thạc sĩ điều dưỡng Võ Thị Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Điều dưỡng, BV Hùng Vương, cho biết, các sản phụ khi đến sinh, nếu có hộ khẩu thường trú ở quận 5 sẽ được nhân viên y tế tư vấn, điền vào phiếu thông tin đăng ký khai sinh trực tuyến. Thông tin sau đó sẽ được gửi đến phường để thực hiện đăng ký khai sinh, chuyển hồ sơ trực tuyến đến hệ thống của Bộ Công an và BHXH quận 5, đề nghị cấp mã định danh cá nhân và thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi. Thời gian trả kết quả (sau khi hoàn tất đăng ký) với giấy khai sinh, mã định danh cá nhân là 3 ngày, với thẻ BHYT là 5 ngày.
Thay đổi thói quen Lãnh đạo Công an TP Thủ Đức (TPHCM) cho biết, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả các chỉ tiêu công tác trong việc triển khai Đề án 06. Đặc biệt là kết quả thực hiện 2 dự án là cấp, quản lý CCCD gắn chip và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, Công an TP Thủ Đức phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm với từng nhiệm vụ cụ thể gắn liền theo phương châm “trách nhiệm, hiệu quả” và tiêu chí “dễ làm trước, khó làm sau”.
Cùng với đó, phấn đấu 100% công dân thuộc diện nhân khẩu đặc biệt (không có giấy tờ tùy thân, con lai chưa xác định được quốc tịch Việt Nam...) đang cư trú trên địa bàn được cấp định danh cá nhân, giải quyết cư trú, cấp CCCD, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân… Địa phương cũng đã rà soát, phân loại, xác minh, làm sạch dữ liệu, đưa lên hệ thống, tiến hành cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử mức 2 cho 665 trường hợp. Số không có giấy khai sinh (784 trường hợp), các đơn vị có liên quan đã tổ chức cuộc họp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và Phòng Tư pháp đã có văn bản đề nghị Sở Tư pháp hướng dẫn. Công an TP Thủ Đức cũng triển khai mô hình điểm “Triển khai lưu trú tại các bệnh viện, cơ sở lưu trú” và đã tiếp nhận hơn 44.000 thông báo lưu trú qua phần mềm ASM…
Công an TPHCM đang gấp rút chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật để thu thập dữ liệu mống mắt, ADN, giọng nói của người dân vào cơ sở dữ liệu căn cước khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước theo Luật Căn cước, kể từ ngày 1-7-2024. Dù không bắt buộc phải đổi thẻ CCCD sang thẻ căn cước, nhưng Công an TPHCM khuyến khích người dân nên đi bổ sung dữ liệu sinh trắc học về ADN, mống mắt và giọng nói - Thiếu tướng TRẦN ĐỨC TÀI Phó Giám đốc Công an TPHCM
Trao đổi với PV Báo SGGP, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM, chia sẻ, với sự chung tay, phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương và sự đồng thuận của người dân, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 đã đạt được một số kết quả nổi bật. Theo đó, ngay từ khi triển khai thực hiện Đề án 06, Công an TPHCM đã xác định một trong những việc khó nhất là thay đổi tư duy, nhận thức, thói quen từ truyền thống sang môi trường mạng không chỉ với cán bộ, chiến sĩ mà với tất cả người dân. Vì vậy, Công an TPHCM bố trí hơn 1.300 công an chính quy tại công an xã, thị trấn; bố trí hơn 7.800 biên chế lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính, đặc biệt cử cán bộ có chuyên môn về công nghệ thông tin để ưu tiên bố trí các vị trí phù hợp trong thực hiện Đề án 06.
Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, đến nay, số lượng hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ công của lực lượng Công an TPHCM đạt trên 90%; phấn đấu đạt mục tiêu “mỗi hộ gia đình đều có một người biết thực hiện thao tác nộp hồ sơ trực tuyến”. Trong năm 2024, Công an TPHCM tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục nghiên cứu những giải pháp sáng tạo, cách làm hay để tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án 06.
Một số kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Đề án 06:
- Hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM với Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an và 10 hệ thống thông tin của các bộ, ngành
- Cung cấp 1.542 dịch vụ công trực tuyến
- Đã thu nhận 7.815.000 hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip
- Cung cấp 5.731.553 tài khoản định danh điện tử mức 2
- Đồng bộ, bổ sung, làm sạch, làm giàu 12,8 triệu dữ liệu về hộ tịch, tư pháp của TPHCM với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
- Xác minh hơn 3,9 triệu hồ sơ tiêm chủng phục vụ cập nhật lên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19
- Cập nhật gần 1 triệu dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên ứng dụng VNeID
- Lập hồ sơ xác minh 2.717 trường hợp nhân khẩu đặc biệt
- Cấp 1.885 Giấy khai sinh và thông báo số định danh cá nhân
- Có 51.679 trường hợp được chi trả trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng
Thiếu tướng Trần Đức Tài cũng cho biết, Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Đây là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. Việc cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi, cấp giấy chứng nhận căn cước dành cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch, thu thập dữ liệu mống mắt, ADN, giọng nói (người dân tự nguyện) theo quy định của Luật Căn cước sẽ góp phần làm giàu dữ liệu, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số.
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) năm 2024 trên địa bàn thành phố. Theo đó, 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình được UBND TPHCM phê duyệt triển khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố, kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư.
Ngoài ra, 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân được lưu trữ điện tử; 100% công dân đủ điều kiện được cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử; 80% người dân khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT. UBND TPHCM yêu cầu phát huy vai trò người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo thực hiện Đề án 06; thường xuyên quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhận thức đúng, đầy đủ, ý nghĩa tầm quan trọng của Đề án 06. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Đồng thời, tập trung số hóa, làm sạch, làm giàu dữ liệu chuyên ngành theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” đáp ứng kịp thời yêu cầu đồng bộ, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, đảm bảo nguồn nhân lực các cấp, nhất là cấp xã, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.
HƯNG VƯỢNG