Đây là mô hình lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam và có thể xem là một điểm sáng trong vấn đề xử lý rác thải nhựa hiện nay.
Đại diện Công ty TNHH Botol Việt Nam cho biết, khi người dùng cho chai nhựa vào lỗ dẫn, máy sẽ tiến hành tách riêng thân chai, nắp chai và nhãn chai, sau đó nghiền thành các mảnh nhựa. Sau khi các mảnh nhựa đã được phân loại theo màu sẽ được chuyển đến đối tác của công ty để tái chế thành các viên nhựa, sẵn sàng cho việc sản xuất thành sản phẩm chai mới. Ưu điểm của công nghệ này là rút ngắn quá trình phân hủy và chuyển đổi chai nhựa, giúp đơn giản hóa chuỗi tái chế. Đồng thời còn tạo ra được chất liệu nhựa đạt tiêu chuẩn của FDA cũng như thúc đẩy hệ thống tuần hoàn.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Maxime Jean Georges Pierre Craipeau, Giám đốc chiến lược Công ty Botol Việt Nam, cho biết, công ty đang tích cực thảo luận với các chủ sở hữu thương hiệu nổi tiếng, siêu thị và trung tâm mua sắm, tập trung tại TPHCM, bao gồm kế hoạch mở rộng đến Hà Nội trong năm tiếp theo để lắp đặt các máy nhận rác nhựa, với tham vọng đặt hơn 1.000 máy nhận rác thải nhựa trong những năm tiếp theo.
Còn ông Trần Duy Hy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân, cho biết, doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế Bottle - To - Bottle (chai ra chai) từ Cộng hòa Áo để thực hiện tái chế chất thải nhựa. Nhà máy tái chế được xây dựng tại tỉnh Long An, với công suất thiết kế 100.000 tấn/ năm, năng lực xử lý hiện tại khoảng 60.000 tấn/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2023, công ty đã thu gom 16.500 tấn chất thải nhựa và tái chế được khoảng 1,27 tỷ chai nhựa.
Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mặc dù bước đầu đã có những điểm sáng, nhưng ngành nhựa vẫn đang đối mặt với những thách thức như doanh nghiệp nhựa Việt Nam hiện vẫn bị “lép vế” do nguyên liệu sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 25%-35% nhu cầu.