Dấu ấn doanh thu bán lẻ hàng hóa
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại thị trường trên địa bàn thành phố đã sôi động trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chuyển biến tích cực, đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt để duy trì sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng thông suốt. Đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện tốt khâu đảm bảo chuỗi hoạt động sản xuất ngay từ đầu năm trong trạng thái bình thường mới.
Tính đến hết năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 115,7 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu dự ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17,3%; trong đó, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm bao gồm ngành chế biến lương thực thực phẩm và đồ uống, ngành hóa - dược - cao su - nhựa, ngành cơ khí và ngành sản xuất hàng điện tử có mức tăng cao hơn, đạt gần 20%. Dấu ấn đặc biệt nhất của kinh tế thành phố phải kể đến là doanh thu bán lẻ hàng hóa, ước đạt 672.000 ngàn tỷ đồng, tăng 136,5%.
Chia sẻ từ hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, phấn khởi cho biết, tính từ đầu năm đến nay, công suất sản xuất của công ty đã tăng lên 60% để đáp ứng đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu. Một số sản phẩm như nước yến, nước chanh muối, nước nha đam… có lượng hàng sản xuất không đủ cung ứng cho các đối tác.
Hiện các sản phẩm chế biến hoàn toàn từ nguồn nông sản trong nước của công ty không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà cả người tiêu dùng tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, châu Âu... lựa chọn. Nhìn nhận về thị trường ngành thực phẩm chế biến trong năm 2023, ông Nguyễn Đặng Hiến tự tin cho rằng, sản phẩm chế biến từ nông sản trong nước sẽ tiếp tục chiếm ưu thế tại thị trường nội và ngoại.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết thêm, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết đưa thuế xuất khẩu của hàng nông sản Việt về 0% (thay vì 5%-45%) khi vào thị trường châu Âu, Hoa Kỳ... Thực tế này đã giúp tăng lực cạnh tranh của nhóm hàng hóa nông sản Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của các quốc gia lân cận như Thái Lan, Campuchia, Malaysia… Với lợi thế đó mà nền tảng sản xuất đã được nhiều doanh nghiệp chuẩn bị sẵn, đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap và nhiều rào cản kỹ thuật khác, nông sản Việt đã tăng tốc mở rộng thị phần xuất khẩu.
Nhiều chương trình kích cầu đầu tư
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã xếp hạng Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu, đạt mốc 700 tỷ USD (tính đến giữa năm 2022). Điều này có sự đóng góp rất lớn từ doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027, của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM với chủ đề “Doanh nghiệp vững mạnh - Thành phố phát triển”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố đang có trên 515.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đây là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển, chất lượng, tốc độ tăng trưởng của thành phố. Doanh nghiệp không chỉ đóng góp ngân sách mà còn hiến kế giúp thành phố xây dựng chính sách và định hướng đúng đắn để phát triển, từng bước xây dựng thương hiệu và năng lực cạnh tranh của thành phố trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, những “bóng đen” từ diễn biến phức tạp của kinh tế giới vẫn sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tiến trình phục hồi bền vững của doanh nghiệp. Giá xăng dầu dự kiến vẫn biến động theo chiều hướng tăng sẽ dẫn đến nguy cơ làm cho chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Đây là một trong những khó khăn lớn đặt ra cho nền kinh tế nói chung và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại dịch vụ nói riêng trong thời gian tới. Do vậy, việc duy trì chính sách đồng bộ nhằm nâng cao nội lực, tăng khả năng kết nối thị trường và tháo gỡ kịp thời những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải là hết sức rất quan trọng.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trước hết về nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp, TPHCM triển khai nhiều chương trình kích cầu đầu tư các dự án phát triển sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, tăng cường tổ chức kết nối doanh nghiệp - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ.
Về giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, Sở Công thương TPHCM tăng cường cung cấp thông tin về nhu cầu tiêu dùng của các thị trường song song với tăng khả năng kết nối cung - cầu hàng hóa theo tín hiệu thị trường. Đặc biệt, trong năm 2023, phương thức thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa và hình thành các chuỗi phân phối hàng hóa quy mô lớn để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sẽ được ứng dụng phổ biến nhằm tăng khả năng giao dịch hàng hóa xuyên biên giới cũng như đẩy mạnh phân phối hàng hóa tại thị trường nội địa.
“Cũng trong năm 2023, thành phố sẽ tập trung phát triển ngành logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, phát huy vai trò trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất phía Nam. Đây được xem giải pháp giúp doanh nghiệp tránh bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đồng thời giảm chi phí logistics do phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài”, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Trước đó, UBND TPHCM đã cam kết triển khai 4 chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp: chương trình đổi mới quản lý thành phố; phát triển hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực và văn hóa; phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. TPHCM đã triển khai chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban ngành và địa phương các quận huyện. Đây được xem động lực để thành phố thực hiện mạnh mẽ hơn hành động cải thiện môi trường đầu tư.