Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, công tác tổ chức các kỳ thi nói chung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức mỗi năm 1 lần trên quy mô toàn quốc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Từ năm 2024 trở về trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
“Việc tổng kết công tác tổ chức kỳ thi trong những năm qua hết sức cần thiết để nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá lại những hạn chế, sai sót, từ đó nâng cao hiệu quả tổ chức, tạo niềm tin cho dư luận xã hội. Tôi đề nghị các địa phương tập trung 5 nội dung chính gồm: công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp; chuẩn bị từ xa, từ sớm, chu đáo cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nhân lực; quá trình tổ chức triển khai kỳ thi; công tác phối hợp giữa ngành giáo dục và đào tạo với các lực lượng ngoài ngành giáo dục; đặc biệt nhất là công tác truyền thông”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng bày tỏ.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), giai đoạn 2020-2024, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức chung đề, chung đợt, kết quả thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng dạy học, đồng thời cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.
Việc xét công nhận tốt nghiệp sử dụng kết hợp kết quả thi và kết quả học tập theo tỷ lệ 70-30.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT phân cấp trách nhiệm cho các địa phương, nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của địa phương trong công tác tổ chức.
Tuy nhiên, kỳ thi còn nhiều hạn chế như kết quả thi giữa các năm chưa đồng đều do nhiều nguyên nhân; công tác xây dựng ngân hàng đề thi còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở giáo dục đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm, dành ít chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT dẫn đến việc thí sinh được điểm cao vẫn không có cơ hội trúng tuyển.
Ngoài ra, quy chế thi tốt nghiệp còn phải điều chỉnh hàng năm do bổ sung các nội dung về kỹ thuật, gây áp lực đối với thời gian ban hành văn bản, trong khi địa phương phải chờ ban hành văn bản mới.
Nhiều địa phương chưa chủ động công tác truyền thông đúng, đủ, kịp thời; vẫn còn hiện tượng vi phạm quy chế thi.
Trên cơ sở đó, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, mục đích tổ chức, đối tượng dự thi, hình thức thi, thời gian tổ chức thi tương tự như giai đoạn 2020-2024.
Nội dung thi bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chủ yếu là lớp 12. Mỗi thí sinh thi 4 môn thi, trong đó có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại học ở lớp 12.
Phương thức xét công nhận tốt nghiệp được kết hợp giữa kết quả thi và đánh giá quá trình học tập theo tỷ lệ 50-50.
Dự kiến, giai đoạn 2025-2030, kỳ thi giữ ổn định phương thức thi trên giấy, từng bước thí điểm và chuẩn bị để thi tốt nghiệp THPT trên máy tính.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, tới đây, bộ sẽ sớm ban hành Quy chế thi và Hướng dẫn thi năm 2025; đồng thời hoàn thiện phần mềm, thử nghiệm phần mềm đăng ký thi trên quy mô rộng trước khi đưa vào sử dụng; xây dựng kế hoạch, các điều kiện để thí điểm thi trên máy từ năm 2027.
Một số điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi nhưng không quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp.
Điểm khuyến khích dự kiến không cộng điểm chứng chỉ nghề do Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không còn quy định về hoạt động giáo dục dạy nghề như chương trình cũ; không cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp đối với thí sinh GDTX do Chương trình GDTX cấp THPT mới tương đương Chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hiện hành. Học viên GDTX sau khi học xong chương trình này sẽ tham dự chung Kỳ thi tốt nghiệp THPT với học sinh THPT và có cùng chuẩn đầu ra và yêu cầu cần đạt của chương trình.