Tại tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 10-2 (mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) đến sáng 11-2, thời tiết thuận lợi nên lượng du khách thập phương đến các khu di tích lịch sử, địa điểm du lịch tâm linh trên địa bàn rất đông.
Theo anh Đặng Quốc Vũ, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), mùng 1 Tết, ước tính có khoảng 2.000-3.000 lượt du khách thập phương về khu di tích để dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong và tham quan, du xuân. Riêng sáng mùng 2 Tết, trong số du khách về khu di tích có nhiều du khách nước ngoài. Dự kiến, trong ngày mùng 2 Tết, khu di tích sẽ đón khoảng 3.000 lượt khách.
Bên cạnh việc chỉnh trang, dọn vệ sinh, năm nay, Ban Quản lý cũng đã bố trí thắp hương vòng tại các điểm dâng hương; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn du khách chỉ thắp hương tại lư hương chung, sau đó dâng hoa và viếng phần mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc.
Chị Trần Thị Thu Hà, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch chùa Hương Tích (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết, năm nay điều kiện thời tiết thuận lợi nên số lượng du khách về chùa tăng. Chỉ tính riêng trong ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đã có hơn 2.000 lượt du khách và dự kiến có khoảng 4.000 lượt du khách trong ngày mùng 2 Tết.
Năm nay, công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ luôn được chú trọng với sự tăng cường lực lượng công an huyện, công an xã, dân quân tự vệ; giá vé vào cổng, vé dịch vụ đi thuyền trên hồ Nhà Đường, xe điện, cáp treo, vé gửi xe… được niêm yết công khai.
Dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, như: đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (thị xã Kỳ Anh), đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười (thị xã Hồng Lĩnh), đền Chợ Củi (huyện Nghi Xuân), chùa Thanh Lương (huyện Nghi Xuân)… cũng “hút” nhiều lượt du khách trong và ngoài tỉnh.
Tại chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), trong 2 ngày đầu xuân, ghi nhận lượng lớn người dân, du khách đổ về để viếng chùa, cầu an. Theo nhiều người dân, việc xuất hành đầu năm để viếng chùa là hoạt động thường niên trong dịp tết nhằm cầu mong một năm mới an khang thịnh vượng, mọi sự thuận lợi.
Năm nay, đường hoa tết (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) là một trong những điểm đến thu hút lượng lớn người dân du xuân. Trên các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo… người người nô nức check-in, chụp lại những khoảng khắc đẹp trong ngày đầu năm.
Đi cùng với vợ con, anh Trần Đính, trú phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho hay, các tiểu cảnh, linh vật trang trí rất bắt mắt, sống động và tinh xảo. Anh rất thích linh vật rồng được trang trí tại đây, đặc biệt là linh vật mô phỏng theo thiết kế của cầu Rồng có thể phun lửa, nước vào mỗi đêm. Mọi người có thể quét mã QR (QR Code) để biết lịch hoạt động của linh vật này.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đón nhiều đoàn khách “xông đất” trong ngày đầu năm.
Vừa qua, để phục vụ khách tham quan hiểu hơn về các đền tháp Chăm, bảo tàng đã thực hiện trưng bày những bộ ảnh mới với nhiều chủ đề dọc theo hành lang của các phòng trưng bày. Đây là không gian trưng bày độc đáo, mới lạ góp phần để du khách và em học sinh đến tham quan, tìm tòi.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thời tiết tạnh ráo nên người dân và du khách nườm nượp vào Đại Nội Huế tham quan, trải nghiệm tết xưa ở hoàng cung triều Nguyễn. Trong đó, một số lễ hội và trò chơi cung đình được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức như lễ đổi gác, múa lân sư rồng, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp, trình tấu tiểu nhạc, đại nhạc, biểu diễn võ thuật... hút khách.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, từ mồng 1 đến mồng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đơn vị mở cửa miễn phí cho người dân và du khách trong nước đến tham quan khu di sản Huế.
Đặc biệt, việc phục dựng và tái hiện lại các nghi lễ và trò chơi cung đình trong dịp tết nhằm giữ gìn nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đồng thời, tạo không khí vui xuân đón tết tại các điểm di tích Huế để phục vụ nhân dân địa phương và du khách khi đến tham quan, du xuân.
Tại các điểm du lịch ở tỉnh Bình Định, do thời tiết khá thuận lợi nên lượng khách du lịch đến tham quan khá đông.
Ông Châu Kim Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết, chỉ trong chiều mùng 1 Tết, lượng khách chủ yếu người dân trong tỉnh đến dâng hương tưởng niệm vua Quang Trung tại bảo tàng lên đến 4.000 khách, tăng nhiều so với những năm trước.
“Hiện, chúng tôi đang chuẩn bị chu đáo cho các sự kiện lớn chào mừng kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Năm nay, tỉnh sẽ tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian đặc sắc để chào mừng kèm theo đó là chương trình bắn pháo hoa 15 phút tầm cao ở trước khuôn viên Bảo tàng Quang Trung nên dự kiến lượt khách du lịch đến sẽ rất đông”, ông Châu Kim Tú chia sẻ.
Theo Sở Du lịch tỉnh Bình Định, dịp tết năm nay, lượng khách du lịch đến tham quan tỉnh theo diện đi riêng từng hộ gia đình tăng mạnh. Trong đó, lượng khách từ TPHCM, các tỉnh Tây Nguyên tăng.
Trong ngày 1 và 2 Tết Nguyên đán, nhiều đoàn khách du lịch ở trong nước lựa chọn tham quan các tour du lịch khám phá khoa học Quy Nhơn, tham quan khu sinh thái Cồn Chim. Tại Trung tâm Khám phá khoa học Quy Nhơn, ghi nhận số lượng lớn du khách đến tham quan mỗi ngày.
Theo anh Nguyễn Lê Đức Luân (quản lý tour du lịch sinh thái Cồn Chim Xứ Nẫu), mỗi ngày, đơn vị đón ít nhất khoảng 3 đoàn khách ngoài tỉnh đến tham quan ở Cồn Chim.
“Tour du lịch Cồn Chim đang mới thành lập nên cũng hạn chế khách tham quan. Trong dịp tết, chúng tôi bình ổn giá, đối với tour trên 10 khách thì giá vé 400.000/người; tour dưới 10 khách thì 500.000 đồng/người. Khách tham quan Cồn Chim được trải nghiệm các địa điểm, bản sắc, câu chuyện văn hóa, lịch sử đầm Thị Nại.
Du khách được trải nghiệm không gian tự nhiên, sinh thái với hệ rừng ngập mặn và chim cò, cùng trải nghiệm ngư dân bản địa câu cá, kéo lưới, chèo sup… và thưởng thức 7 món hải sản đặc trưng do ngư dân ở đầm Thị Nại đánh bắt được”, anh Luân chia sẻ.