Không khó hiểu khi có kết quả thi 2017, cả xã hội đã hết sức ngỡ ngàng và cho rằng đó là điều bất thường. Nhiều người mừng vì những điểm 10. Nhưng cũng nhiều người lo. Nhiều ý kiến nghi ngờ công tác ra đề thi và công tác coi thi, chấm thi. Liệu có phải đề thi trắc nghiệm quá dễ, công tác coi thi giao cho các sở GD-ĐT chủ trì nên lỏng lẻo, chấm thi có phần du di, khiến cho cơn mưa điểm 10 xuất hiện?
Theo Bộ GD-ĐT, sau khi phân tích dạng phổ điểm và các thông số thống kê, kết quả cho thấy hầu hết các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ khoảng 4,5 - 6,5 điểm, giá trị của điểm trung bình gần sát với điểm trung vị, điều đó chứng minh tính chuẩn hóa của các đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, ở một số bài thi, môn thi, có nhiều thí sinh đạt điểm tuyệt đối (10 điểm) nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh có truyền thống “hiếu học”.
Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt điểm 0 và điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 (điểm liệt) cũng tương đối lớn và có hầu hết ở các bài thi, môn thi. Điểm trung bình dưới 5 của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỷ lệ khoảng 40% - 60%. Điều này cho thấy phổ điểm được phân tán tương đối rộng, đánh giá đúng năng lực của các thí sinh, giảm thiểu đáng kể hiện tượng đoán mò trong các bài thi trắc nghiệm khách quan. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT khẳng định với kết quả phân tích điểm nói lên tính khách quan, trung thực, công bằng trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017. Đồng thời đây cũng là một kênh thông tin để phân loại chất lượng giáo dục phổ thông ở các vùng miền.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia 2017, cũng cho rằng, không phải số bài thi điểm 10 tăng cao có nghĩa là đề quá dễ hoặc công tác coi thi không nghiêm túc. Nếu tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao vọt lên, hay hiện tượng điểm 9 - 10 quá nhiều, còn điểm 0 - 1 quá ít thì mới là vô lý. Tức là đề thi quá dễ, ai cũng làm được điểm 9-10. Còn phân bố đều, tập trung vào điểm trung bình, điểm 0 - 1 ít và điểm 9 - 10 không quá nhiều thì phân bố đó là bình thường. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng lý giải rằng, mọi năm ra tự luận, câu khó chỉ rơi vào chương nào đó nên học sinh nào học tủ mới làm được, còn đề thi trắc nghiệm khách quan được chuẩn hóa với dải rộng từ dễ đến rất khó, kiến thức phủ khắp chương trình, câu khó có thể nằm bất cứ nơi nào trong chương trình, vì vậy các em học sâu vào 1 chương nào đó, 1 phần kiến thức nào đó đều có thể làm được câu khó này.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, hơn 4.000 điểm 10 mà thí sinh đạt được trong kỳ thi năm nay là những điểm 10 thực sự, bởi với đề thi đã được chuẩn hóa như vậy mà các em vẫn có thể đạt được kết quả cao thì đó là điều rất đáng mừng. Số lượng điểm 10 nhiều nhưng số lượng điểm 0 cũng rất lớn. Ví dụ, môn Toán có 281 điểm 10, nhưng có 1.584 em điểm từ 1 trở xuống, tức là điểm liệt. Con số điểm kém cũng rất lớn. Điểm trung bình của môn Toán là 5,19 điểm. Điểm Toán dưới 5 chiếm hơn 48%. Như vậy, những điểm 10 là vô cùng giá trị.
Dù những phân tích, đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT phần nào có lý, nhưng rõ ràng vẫn có nhiều điều cần phải tiếp tục phân tích, nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện trong công tác ra đề thi. Nếu chúng ta duy trì phương án thi 2017 ổn định cho các năm tới, tức là thi trắc nghiệm hầu hết các môn học thì rõ ràng, khâu đề thi, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi phải được coi trọng hàng đầu. Việt Nam đang áp dụng làm đề thi theo công nghệ, quy trình của Mỹ. Nhưng họ đã có lịch sử 200 năm thi trắc nghiệm còn chúng ta mới chỉ là 1-2 năm khởi đầu, vì thế chắc chắn còn nhiều bất cập. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến phản hồi từ thầy cô, học sinh và toàn xã hội về đề thi để có những điều chỉnh cho những năm sau có đề thi tốt hơn.
Ngày 7-7, khi công bố phổ điểm thi 2017, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, trên cơ sở phân tích sâu hơn về phổ điểm sẽ làm cơ sở để Bộ GD-ĐT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, phục vụ kỳ thi THPT quốc gia những năm tiếp theo ngày càng tốt hơn. Đó chính là điều mà xã hội mong ngành giáo dục cầu thị, lắng nghe những ý kiến phản biện để hoàn thiện tốt hơn phương án thi những năm tới, bởi ý nghĩa sâu xa nhất của đổi mới thi cử, chính là quay trở lại tác động tích cực đến việc dạy và học trong nhà trường.