Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng nhanh, nguy hiểm

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều bệnh mới nổi, tái nổi; nhiều dịch bệnh có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... số ca mắc cũng đang có sự gia tăng nhanh ở các tỉnh thành.

Trẻ được tiêm vaccine 5 trong 1 tại Trạm Y tế xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè
Trẻ được tiêm vaccine 5 trong 1 tại Trạm Y tế xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè

Chiều 10-4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Tham dự tại điểm cầu TPHCM có đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Báo cáo tại hội nghị, TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.542 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Nam (8.100 ca, chiếm 56,1%) và miền Trung (4.700 ca, chiếm 32,9%). Đối với các dịch bệnh đã có vaccine dự phòng, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận 130 ca mắc sởi (tăng 1,4 lần), 118 ca mắc ho gà (tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023), hơn 4.400 ca thủy đậu, 3 ca bệnh bạch hầu...

Đối với bệnh tay chân miệng (TCM), cả nước ghi nhận 10.196 trường hợp mắc, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023; chưa ghi nhận ca tử vong. Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc của cả nước, số ca mắc TCM ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non và có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh. Tại TPHCM, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong quý 1-2024, thành phố ghi nhận 1.765 ca mắc tay chân miệng tăng 132,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ 1 đến 3 tuổi (chiếm 49%).

z5334893883962_8392b79fdeef9435b7ccca8cfd4bc8e8.jpg
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM báo cáo tại điểm cầu TPHCM

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quốc gia như Hà Lan, Vương quốc Anh, Philippines... cũng đã ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà. Bên cạnh đó, bệnh SXH tăng mạnh ở châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch SXH nghiêm trọng ở Trung và Nam Mỹ khi số ca bệnh khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

“Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Theo TS-BS Hoàng Minh Đức, để phòng chống các bệnh có vaccine dự phòng cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu. Bên cạnh đó, xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.

Đối với thủy đậu cần tăng cường truyền thông người dân hiểu đây là dịch bệnh có vaccine và khuyến khích các cháu tiêm chủng dịch vụ, trong trường hợp địa phương có số mắc lớn đề nghị trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh đánh giá dịch tễ học và địa phương chủ động vấn đề vaccine tiêm cho trẻ. Việc chống dịch thủy đậu được tiến hành giống các biện pháp như các biện pháp chống dịch TCM đặc biệt ở các cơ sở giáo dục. Riêng đối với ho gà, việc tiêm vaccine dịch vụ ở phụ nữ có thai được khuyến khích trên cơ sở sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà đối với phụ nữ có thai nhằm tăng miễn dịch khi trẻ sinh ngay sau sinh.

Chưa ghi nhận sự lây lan từ người mắc cúm A/H9N2

Theo TS-BS Hoàng Minh Đức, bệnh nhân nam mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta đang điều trị tại phòng cách ly áp lực âm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM với chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết từ viêm phổi, cúm A, nhiễm nấm xâm lấn, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết phổi, xuất huyết ở bụng ổn, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận cấp, xơ gan do rượu, theo dõi u gan. Từ khi bệnh nhân cách ly, điều trị tại bệnh viện đến nay, người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện có sức khỏe bình thường. Người dân không nên quá hoang mang, lo sợ trước thông tin ca mắc cúm A/H5N1 và cúm A/H9N2 ở nước ta thời gian qua, tuy nhiên cũng không nên chủ quan mà cần tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch cúm gia cầm lây sang người.

Tin cùng chuyên mục