Nhiều dịch bệnh rình rập bùng phát: Không thể chủ quan

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề khiến nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Cùng với đó, diễn biến thời tiết đông xuân thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan. Hiện nay ở trong nước, số người mắc cúm và các bệnh lây qua đường hô hấp đang gia tăng, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi có bệnh lý nền. Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, dịch Covid-19, cúm A/H5N1, H1N2… cũng làm tăng cao số người mắc và tử vong.

Biến chứng nguy hiểm

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số người mắc cúm A nhập viện điều trị đang tăng cao, trong đó nhiều trường hợp có bệnh lý nền khiến diễn tiến bệnh phức tạp. Đặc biệt, một số người bệnh chỉ sau ít ngày mắc cúm đã phải thở máy vì tình trạng suy hô hấp diễn biến nặng, thậm chí có trường hợp tổn thương phổi tới 60%. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết, những trường hợp có bệnh lý nền khi nhiễm virus cúm A sẽ khiến tình trạng nặng lên, thậm chí là nguy kịch do suy tim. Ngoài ra, một số trường hợp đồng thời nhiễm cả cúm và Covid-19 dẫn đến viêm phổi nặng.

Trong khi đó, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện mỗi ngày tiếp nhận thăm khám, điều trị cho hơn 100 trẻ mắc cúm A; trong đó chỉ riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, có hàng chục trẻ đang được điều trị nội trú.

4b-1867.jpg
Thời tiết lạnh khiến nhiều người cao tuổi nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: QUỐC KHÁNH

Tại TPHCM, theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tuần qua thành phố ghi nhận 168 trường hợp mắc tay chân miệng và 234 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tuy số ca mắc có giảm so với 4 tuần trước nhưng khả năng lây lan vẫn có trong cộng đồng, cần chủ động phòng chống.

Liên quan đến biến thể phụ JN.1 của virus SARS-CoV-2 vừa được xác định đã xuất hiện tại TPHCM, bác sĩ Lê Hồng Nga cho rằng, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể hiện đang lưu hành khác. Nhìn chung, khi mắc Covid-19, các triệu chứng có xu hướng giống nhau giữa các biến thể. Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khi mắc Covid-19 thường phụ thuộc nhiều vào khả năng miễn dịch và tình trạng sức khỏe.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế ), qua giám sát các trường hợp mắc cúm cho thấy, các chủng virus cúm gây bệnh chủ yếu là cúm A/ H1N1, A/H3N2 và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người, như cúm A/H5N1, H5N6. Tuy nhiên, ở trong nước, tại khu vực miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn mùa đông xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Cùng với đó, các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu và một số bệnh có vaccine dự phòng tiếp tục ghi nhận số ca mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Kiểm soát chặt khu vực biên giới

Không chỉ nhiều dịch bệnh ở trong nước diễn biến phức tạp mà trên thế giới, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cũng đang có số người mắc và tử vong tăng rất cao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ trong tháng 12-2023 và đầu năm 2024, thế giới đã ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do Covid-19. Đặc biệt, số trường hợp nhập viện do Covid-19 đã tăng tới hơn 40% so với tháng 11-2023. Nguy hiểm hơn khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi, trong đó biến thể JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Cùng với đó, nhiều bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi khác vẫn được ghi nhận tại không ít nơi trên thế giới, như: bệnh Nipah tại Ấn Độ, cúm A/H5N1 tại Campuchia, cúm A/H1N2 tại Anh, MERS-CoV tại khu vực Trung Đông…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nói chung vẫn diễn biến khó lường, phức tạp. Trong khi bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng tần suất xuất hiện với nhiều biến chủng, biến thể mới. Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn. Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương có cửa khẩu đẩy mạnh kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu để kịp thời phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý cửa khẩu và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, đề xuất danh mục cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ hoạt động kiểm dịch y tế thường xuyên và trong trường hợp có dịch.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, dịp Tết Nguyên đán, việc giao lưu, đi lại sẽ tăng cao, nguy cơ gia tăng số ca mắc và nhập viện do Covid-19 là hiện hữu. Không chỉ Covid-19, những bệnh lây qua đường hô hấp cũng có khả năng tăng cao. Vì vậy, đối với những người thuộc nhóm nguy cơ như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai…, việc tăng cường các biện pháp tự bảo vệ như tiêm vaccine phòng Covid-19, quản lý tốt bệnh nền là hết sức quan trọng và cần thiết.

Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh hiện nay, HCDC khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là, nên đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người hoặc khi có triệu chứng hô hấp. Hiện TPHCM đã được nhận nguồn vaccine phòng Covid-19 do Bộ Y tế cung cấp cũng như duy trì tổ chức tiêm chủng hàng ngày tại các trạm y tế của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, người dân cần đến tiêm chủng để phòng ngừa.

Tin cùng chuyên mục