Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), toàn TP có trên 7.000 điểm nguy cơ có lăng quăng. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn TP đã thực hiện 328 quyết định xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP đối với những địa điểm để phát sinh nhiều lăng quăng, muỗi có khả năng gây dịch bệnh SXH. Việc xử phạt được chính quyền địa phương triển khai quyết liệt trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8. Cụ thể, có 199 điểm trong tháng 7 và 74 điểm trong tháng 8 bị xử phạt.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, kết quả tiêm chủng đã khả quan hơn từ khi triển khai tháng cao điểm. Sau 10 ngày triển khai, trung bình mỗi ngày tiêm được trên 13.000 liều, tăng gấp đôi so với trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ tại thành phố vẫn thấp hơn trung bình cả nước.
Bên cạnh những quận huyện có nỗ lực trong tuần đầu tháng cao điểm như quận 7, 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, TP Thủ Đức, vẫn còn có những quận huyện dù tỷ lệ tiêm thấp nhưng chưa đẩy nhanh tốc độ tiêm trong tháng cao điểm, bao gồm: quận 1, 3, 4, 6, 8, 11, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Hóc Môn.
Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong tình hình các loại dịch bệnh diễn biến phức tạp trong nước và nguy cơ xâm nhập của các bệnh mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan bí ẩn thì tiêm chủng vaccine là ưu tiên hàng đầu. Để đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine ở trẻ em, cần phát huy vai trò của nhà trường và hiệu trưởng trong việc vận động phụ huynh học sinh cũng như tổ chức tiêm cùng với ngành y tế.
Đối với công tác phòng chống dịch SXH, các quận huyện, TP Thủ Đức cần phải tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ có khả năng phát sinh lăng quăng, muỗi. Song song đó, chính quyền địa phương cần quyết liệt xử phạt đối với những điểm nguy cơ vẫn để tiếp diễn phát sinh lăng quăng.