Trẻ nhập viện gia tăng
Khoảng 3 tuần trở lại đây, Khoa hô hấp 2, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhi nhập viện điều trị. Thậm chí, ở những phòng có trẻ mắc bệnh nặng nằm, các bác sĩ phải sử dụng các miếng vải lớn ngăn cách các giường với nhau để giảm lây nhiễm chéo, giúp trẻ có thể phục hồi nhanh hơn. BS.CKII Trần Quỳnh Hương, Khoa hô hấp 2, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, khoa có 45 giường bệnh nhưng đang điều trị trên 60 bệnh nhi.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), từ tháng 6 đến nay đã có hơn 60.000 lượt khám bệnh ngoại trú. Tất cả khoa, phòng về bệnh hô hấp tại đây đều kín chỗ. Để hạn chế tình trạng quá tải và lây nhiễm chéo, bệnh viện đã phải cân nhắc những trường hợp nào nên nhập viện hay điều trị ngoại trú. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết, trẻ nhập viện khi chưa cần thiết, nếu gặp những trẻ nặng hơn thì dễ nhiễm những virus, vi khuẩn kháng thuốc khiến bệnh nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị.
Tại các tỉnh phía Bắc, vài tuần trở lại đây, số trẻ tới khám và điều trị tại bệnh viện tăng đột biến. Cụ thể, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn tiếp nhận trên 2.000 ca/ngày, phần lớn trẻ tới khám bị viêm đường hô hấp, ho, sốt, tiêu chảy, SXH. Đặc biệt, lượng bệnh nhi bị viêm đường hô hấp do Adenovirus tăng rất cao, tính từ đầu năm 2022 đến nay là hơn 1.400 trẻ; trong đó, riêng từ đầu tháng 8 tới nay là 1.316 trẻ và hơn một nửa trong số này phải nhập viện điều trị. Do đó, bệnh viện đã dành riêng 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng. Các bệnh nhi nhiễm Adenovirus nhập viện được chăm sóc, điều trị tại khu vực riêng nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tương tự, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhi phải nhập viện điều trị cũng tăng khoảng 20%-30% so với cùng kỳ, chủ yếu là sốt virus và viêm đường hô hấp.
Bảo vệ sức khỏe khi giao mùa
Trước thông tin nhiều tỉnh phía Bắc ghi nhận 6 trẻ tử vong vì biến chứng của Adenovirus, các chuyên gia lưu ý, đây là virus xuất hiện mỗi năm. Adenovirus là một loại virus khá kinh điển của bệnh hô hấp. Bệnh này có nhiều loại virus tấn công trẻ bất cứ lúc nào. Một số loại virus phổ biến như: Adenovirus, virus cúm, sởi... Tuy nhiên, việc bệnh chuyển nặng hay nhẹ vẫn phụ thuộc vào cơ địa của từng trẻ. Phụ huynh không nên quá hoang mang mà cần tỉnh táo để phát hiện kịp thời và phòng lây nhiễm cho trẻ.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Adenovirus có nhiều mức độ khác nhau. Triệu chứng khởi phát thường thấy là nóng, ho, sổ mũi. Một số trường hợp bị đau mắt đỏ hàng loạt, ho kéo dài 2-3 tuần không hết. Adenovirus thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 12 (khi đến mùa bùng phát). Bệnh có cơ chế lây lan qua giọt bắn, trên các mặt phẳng, đồ chơi, tay nắm cửa…; tỷ lệ trẻ mắc bệnh và chuyển nặng nhiều hơn người lớn vì hệ miễn dịch của trẻ yếu. Đặc biệt, trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi mắc Adenovirus rất phổ biến.
Để bảo vệ sức khỏe trẻ trong thời điểm giao mùa, dịch bệnh truyền nhiễm tăng cao, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên vệ sinh thường xuyên đường hô hấp trên, vùng mũi, vùng họng cho trẻ. Đồng thời, tăng cường miễn dịch cho trẻ, cho trẻ ăn đủ vi chất, sinh hoạt khoa học, đi ngủ sớm, cách ly với các bạn có dấu hiệu bệnh truyền nhiễm. Cha mẹ khi thấy trẻ có dấu hiệu khò khè, thở nhanh, có thể có biểu hiện viêm phế quản, viêm phổi thì cần đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời và tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện nay, Adenovirus không có thuốc đặc trị, thường điều trị theo triệu chứng không để suy hô hấp, cung cấp đủ nước, dinh dưỡng. Nếu bệnh nhân nặng thì thở máy và thở các phương pháp cao hơn. Đặc biệt, không nên để bội nhiễm vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.. |