Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11 - 16 giờ hàng ngày, cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Theo cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hôm qua (19-4), nắng nóng đã xảy ra rất dữ dội, trên diện rộng ở Bắc bộ và Trung bộ. Vào lúc 13 giờ trưa 19-4, nhiều nơi đo được nhiệt độ vượt trên 40-41oC, như Mường La 40,2oC, Phù Yên (Sơn La) 40,6oC, Tương Dương (Nghệ An) 40,2oC, Hương Khê (Hà Tĩnh) 41,3oC, những nơi khác cũng 38-39oC.
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng cảnh báo, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục lan sang phía Đông, kết hợp với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn mạnh nên ngày 20-4, nắng nóng tiếp tục hoành hành trên diện rộng ở Bắc bộ và Trung bộ. Nhiều nơi tiếp tục duy trì nhiệt độ 38-39oC, các khu vực là tâm điểm của nắng nóng vẫn trên 40oC. Tại Hà Nội, nắng nóng cũng gia tăng, nhiệt độ phổ biến từ 35-38oC. Tại TPHCM và Nam bộ, nắng nóng kéo dài đến ngày 24-4 nhưng nền nhiệt độ thấp hơn, phổ biến là 35-36oC.
Vì đây là đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ đầu mùa đến nay, nên các chuyên gia khí tượng khuyến cáo, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11 - 16 giờ hàng ngày, cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Các gia đình có người già, trẻ em cần chủ động các giải pháp làm mát, tránh bị sốc nhiệt, tăng huyết áp, mất nước, kiệt sức, đột quỵ khi nền nhiệt độ tăng cao, không khí oi nồng, ngột ngạt.
Thời tiết tại TPHCM và các tỉnh phía Nam trong những ngày qua luôn ở mức cao, khiến số bệnh nhân cấp cứu tại các bệnh viện (BV) tại TPHCM tăng vọt, đặc biệt là người già và trẻ em.
Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2, dù đã quá trưa vẫn còn đông nghịt trẻ nhỏ chờ khám chữa bệnh, thời tiết nóng bức cùng với số bệnh nhân tới khám rất đông, khiến cho không khí thêm ngột ngạt mặc dù những chiếc quạt trần đã hoạt động hết công suất.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhi đồng 2, trong tuần giữa tháng 4, bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.500 - 5.000 bệnh nhi đến khám. Trong số này có khoảng 7% phải nhập viện nội trú, chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp. Nhiều trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi... Lý giải về số trẻ nhập viện tăng cao trong những ngày gần đây, bác sĩ Huỳnh Minh Thu cho rằng nắng nóng và tia cực tím khiến sức đề kháng của trẻ em giảm. Tình trạng thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải, nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp. Ngoài ra, nhiệt độ tăng cao khiến thực phẩm dễ ôi thiu gây bệnh đường tiêu hóa.
Còn tại BV Đa khoa Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc BV, cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay số bệnh nhân khám và điều trị các bệnh về nắng nóng tại BV luôn luôn tăng, thậm chí tăng đến 20% so với tháng trước. Hầu hết người bệnh lớn tuổi đến khám mắc các bệnh về hô hấp, đột quỵ, tăng huyết áp, tim mạch… “Nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu gia tăng số bệnh nhân lớn tuổi nhập viện, bởi sức đề kháng của họ giảm dần tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Chức năng của các cơ quan cũng yếu đi, dễ bị tác động của thời tiết nên nguy cơ mắc bệnh càng cao”, bác sĩ Nguyễn Khắc Vui thông tin.