Ngày 24-11, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Phước Tồn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, xuất phát từ phản ánh, đề nghị của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và các bệnh viện trên địa bàn, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn chấp thuận việc thay thế thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (sản xuất Ba Lan) ngay từ tháng 4-2019. Sở Y tế TP Cần Thơ là đơn vị đấu thầu cung cấp thuốc này cho các bệnh viện trên địa bàn.
Theo đó, 4-2019, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có công văn chấp nhận việc thay thế thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy bằng một loại thuốc khác.
Công văn nêu rõ, trong quá trình sử dụng thuốc trúng thầu Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy tại một số địa phương như: Long An, Bến Tre và Cần Thơ... thì hiệu quả giảm đau của thuốc không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài và một số trường hợp gây ra sốc, co giật. Thông tin trên được báo cáo từ Hội Gây mê khu vực phía Nam và một số bệnh viện tại Cần Thơ.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và đủ thuốc kịp thời trong điều trị, Sở Y tế TP Cần Thơ, chủ đầu tư chấp thuận theo đề nghị (Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1, đơn vị cung ứng thuốc) được thay thế thuốc trúng thầu Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy bằng thuốc Bupivacaine for spinal anaesthesia Aguettant 5mg/ml. Thuốc này được sản xuất tại Pháp và có thành phần công thức giống nhau, cùng chỉ định điều trị và cùng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật của nhóm 1 generic.
Liên quan đến thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy, Bác sĩ Mai Thiên Chương, Quyền Trưởng Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) cho biết, sau khi thuốc được nhập về Bến Tre sử dụng thì xuất hiện một số ca có triệu chứng gọi là ngộ độc thuốc tê. Trong đó, có 1 ca bị sốc, gãy xương bánh chè, sau đó sản phụ được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy sinh. Ca thứ 2, sản phụ phụ lớn tuổi, bị co giật, gãy xương, sản phụ có bệnh lý nội kèm theo nhiều nên ca này đã tử vong sau đó.
Bác sĩ Mai Thiên Chương cho biết thêm, từ 2 trường trên, chúng tôi tiến hành khảo sát, họp hội đồng chuyên môn và chúng tôi đã quyết định ngưng sử dụng khoảng hơn 3 tháng nay. Chúng tôi đang sử dụng thuốc thay thế từ nhà sản xuất Ấn Độ và đến nay vẫn ổn.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Long An xác nhận, qua quá trình sử dụng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy cũng đã xuất hiện trường hợp sốc thuốc dẫn đến tử vong.
Bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Lạc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, tiếp nhận thông tin xuất hiện các trường hợp bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy, chúng tôi đã không xài thuốc này, hiện bệnh viện đang xài thuốc của Pháp.
Trao đổi với PV Báo SGGP, Bác sĩ CKII Trần Huỳnh Đào, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức ĐBSCL) cho biết, liên quan đến các tác dụng phụ đối với thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy chúng tôi đã từng xin ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) về việc ngưng sử dụng thuốc này, nhưng Cục cho biết không quyết định được mà phải đợi. Sau đó, chúng tôi chờ câu trả lời của Cục và Bộ nhưng vẫn không thấy phản hồi. Trong thời gian đợi, chúng tôi đã không dám xài Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy từ 4-2019 và tìm một giải pháp khác là tìm nguồn thuốc thay thế từ xưa đã dùng. Đồng thời đề nghị người nhà hỗ trợ đóng thêm chi phí để mua thuốc nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Theo Bác sĩ Trần Huỳnh Đào, trong vòng 10 năm nay, kỹ thuật gây tê tủy sống chiếm hơn 90% ca mổ lấy thai nhi. Vì gây tê tủy sống sẽ giúp giảm đau trong và sau mổ khoảng 24 giờ. Không có tác dụng phụ đáng kể cho mẹ và em bé. Quá trình sinh, mẹ tỉnh táo có thể thấy con mình ngay lập tức, sức khỏe hồi phục nhanh.
Trước đây, chúng tôi thường gây tê tủy sống chủ yếu bằng 2 loại thuốc từ nhà sản xuất Thụy Điển và Pháp.
Thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy được dùng từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3-2019.
Sau khi ghi nhận các trường hợp xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng như sốc, co giật, thậm chí gây tử vong thì chúng tôi đã có báo cáo và không dám dùng nữa.