Hiện nay, tổng diện tích khô hạn trên lâm phần toàn tỉnh Cà Mau là 43.000ha, trong đó, cấp II là 32.200ha. Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng không chủ quan, lơ là, triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp PCCCR theo đúng kế hoạch, phương án được phê duyệt. Qua đó, thành lập Ban Chỉ huy PCCCR các cấp; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động dân cư sống trong và ven rừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR và ký cam kết PCCCR. Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục thuộc dự án nâng cao, năng lực PCCCR; qua đó nạo vét kênh mương hơn 50km, xây dựng 8 chòi quan sát lửa... Tổng số lực lượng tham gia trực PCCCR là hơn 380 người, với 73 tổ máy bơm và sẵn sàng huy động 1.560 người khác cùng tham gia.
Trên địa bàn tỉnh An Giang, tổng diện tích vùng trọng điểm rừng có nguy cơ dễ xảy ra cháy trong mùa khô hạn được xác định trên 7.250ha, chiếm 43% tổng diện tích rừng của tỉnh. Trong đó, tập trung nhiều tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Để phòng cháy rừng, lực lượng kiểm lâm địa phương tập trung phát dọn cỏ, chặt dây leo, cây bụi, đôn đốc các hộ nhận giao khoán phát dọn đường băng cản lửa, đề phòng và ngăn ngừa lửa cháy lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra lượng nước ở các hồ, bồn nước nhằm sẵn sàng các phương án phòng cháy trong suốt mùa khô.
Trong một diễn biến khác, tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã ban hành Quy định về kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy trong phòng cháy rừng thông ở Lâm Đồng. Trong đó, tuyệt đối không được đốt dọn (đốt thực bì) khi dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên; việc làm giảm vật liệu cháy chỉ tiến hành vào thời điểm chuyển tiếp vào cuối mùa mưa và đầu mùa khô hàng năm. Mùa khô 2020-2021, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng gia hạn thời gian xử lý vật liệu cháy đến hết ngày 24-1-2021. Quy định đã rõ nhưng những ngày qua, nhiều cánh rừng thông tại các phường 3, 5, 7; xã Tà Nung và vùng phụ cận như khu vực rừng quanh hồ Đan Kia - Suối Vàng, xã Lát, Đạ Sar, Đạ Nhim, xã Hiệp An… lửa vẫn bùng phát liên tục, có thời điểm bùng lên thành đám cháy lớn.
Các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn thì cho rằng, một số đám cháy thực bì là do du khách, người dân đi rừng gây ra. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân nào thì trách nhiệm chính thuộc về các đơn vị chủ rừng, hạt kiểm lâm trực thuộc, vì trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu tuyệt đối không được đốt làm giảm vật liệu cháy dưới bất cứ hình thức nào đối với diện tích rừng dọc các tuyến đèo; rừng dọc quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông huyết mạch vào các khu du lịch hồ Tuyền Lâm, Langbiang, Đan Kia - Suối Vàng và các diện tích rừng khác để không ảnh hưởng đến cây thông tái sinh. Tại chỉ đạo mới đây, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, thời gian tới, nếu các địa phương, đơn vị chủ rừng tiếp tục để xảy ra vi phạm về quản lý bảo vệ rừng phức tạp, hoặc để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Đồng thời, không bình xét thi đua năm 2021 và xem xét đình chỉ công tác đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra vi phạm theo quy định.