Trưa 19-9, có mặt dọc bờ biển Vũng Áng, thuộc địa bàn thôn Hải Phong 1, Hải Phong 2 ( thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), PV Báo SGGP ghi nhận mưa cục bộ từng đợt, sóng to, gió giật mạnh, khoảng cấp 6 đến cấp 8.
Theo ghi nhận, người dân dọc bờ biển thôn Hải Phong 1, Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi đã tổ chức chằng chống, che chắn nhà cửa, quán hàng, cắt tỉa cây xanh để tránh nguy cơ bị thiệt hại nếu ảnh hưởng bão.
Trưa cùng ngày, mặc dù dọc bờ biển thôn Hải Phong 1, Hải Phong 2 có gió giật mạnh, sóng to và mưa nhưng một số người dân địa phương vẫn đi ra nhặt củi, phế liệu các loại tấp vào bờ.
Ông Lê Trọng Thu (75 tuổi, trú thôn Hải Phong 1, xã Kỳ Lợi) vừa đi nhặt một số gỗ và chiếc phao nhỏ dạt lên bờ biển, cho biết, dự báo bão số 4 rất ít khả năng vào địa bàn nhưng trước diễn biến của thời tiết, người dân trong thôn đã chủ động chằng chống nhà cửa, di chuyển, kê các đồ đạc lên cao đề phòng thiệt hại.
Ông Chu Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, cho biết toàn xã hiện có hơn 700 tàu thuyền công suất các loại, đến thời điểm này đều đã vào các địa điểm tránh trú đảm bảo an toàn... Chính quyền địa phương cũng đã chủ động triển khai các phương án phòng chống mưa bão để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân.
Trước ảnh hưởng của bão số 4, gây nguy cơ ngập lụt cao, các địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh cũng đã sẵn sàng phương án di dời các hộ dân vùng thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở đất ven sông, chân núi và hạ du các hồ chứa nước đến nơi an toàn. Trong đó, riêng tại địa bàn thị xã Kỳ Anh dự kiến sẽ di dời hơn 1.400 hộ dân ở các vùng ngập lụt, sạt lở đến nơi tránh trú an toàn.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã rà soát các địa điểm để người dân sơ tán khi nước lũ dâng cao như: trường học, trạm y tế, các nhà cao tầng liền kề, nhà văn hóa kết hợp nhà tránh lũ cộng đồng; xây dựng phương án cụ thể ở từng thôn, thành lập các tổ đội ứng cứu nắm rõ địa bàn phối hợp với các lực lượng thực hiện ứng cứu kịp thời, không để bị động, bất ngờ.
Chiều 19-9, ông Dương Xuân Sáu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), cho biết lúc 9 giờ 15 phút sáng cùng ngày, mưa lớn kèm lốc xoáy mạnh xảy ra tại địa bàn thôn Nguyễn Huệ, khiến 14 hộ dân bị tốc mái nhà, mái che, hư hỏng. Rất may lốc xoáy không gây thiệt hại về người. Ước tính thiệt hại tài sản ban đầu lên đến hàng chục triệu đồng.
Ngay sau khi lốc xoáy tan, chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng xuống hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh môi trường để ổn định đời sống.
Sáng 19-9, ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết đã có kịch bản di dời hơn 3.000 hộ dân đang sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến nơi an toàn.
Trong đó, huyện miền núi Nam Đông đã tiến hành sơ tán 34 hộ/119 khẩu đến vị trí an toàn, cụ thể: (xã Thượng Long 16 hộ/64 khẩu; xã Thượng Nhật 3 hộ/12 khẩu; thị trấn Khe Tre 15 hộ/43 khẩu). “Hiện nay chúng tôi vẫn đang theo sát đường đi của cơn bão số 4 cũng như tình hình mưa lớn, sạt lở trên địa bàn tỉnh để có thông báo di dân kịp thời", ông Hòa cho biết.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã dự trữ 100 tấn gạo và 100 tấn mì tôm cũng như dự trữ tại chỗ nhiều mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân ở các khu vực nguy cơ sạt lở, chia cắt, cô lập.
Sáng 19-9, nhiều khu vực thấp trũng tại TP Huế và các huyện thị vùng ven bị ngập úng cục bộ gây. Ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh đã quyết định cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học từ sáng 19-9 đến khi tỉnh có thông báo mới, để ứng phó với cơn bão số 4 có thể đổ bộ trực tiếp vào tỉnh này.
Ghi nhận của PV Báo SGGP, theo kế hoạch hội chợ thương mại Festival 2024 diễn ra từ ngày 16 đến 22-9 với sự tham gia của 231 doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh với quy mô 227 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Sau lễ khai mạc, hội chợ thu hút rất nhiều du khách và người dân địa phương đã đến tham quan các gian hàng và mua sắm. Bên cạnh đó, hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp và các nhà cung cấp diễn ra rất sôi nổi, đạt được nhiều kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa bão nên chiều 18-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương và các thành viên Ban tổ chức đã đến gặp gỡ, động viên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và hợp tác xã tham gia hội chợ.
Ông Phan Quý Phương yêu cầu Ban tổ chức hội chợ xem xét các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp trong việc bảo quản hàng hóa. Một số đơn vị vẫn còn mong muốn ở lại do chưa chuẩn bị phương án di chuyển hàng hóa trở về, yêu cầu đơn vị tổ chức sự kiện tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để đảm bảo an toàn cho các đơn vị.
Tại Quảng Trị, nhiều tuyến đường ở 2 huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông bị chia cắt cục bộ do một số tràn bị ngập sâu như tràn Ly Tôn nước ngập khoảng 0,2m; tràn qua thôn Loa, xã Ba Tầng nước dâng cao 1m. Tại các khu vực ngập sâu, lực lượng chức năng đã dựng rào chắn nghiêm cấm người và phương tiện lưu thông.
Sáng 19-9, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản gửi Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị trực thuộc sở; Trường Phổ thông liên cấp CĐSP Quảng Trị; Trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thị xã, thành phố và các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học, cơ sở dạy thêm, học thêm chủ động các biện pháp ứng phó bão số 4.
Theo đó, tùy theo tình hình diễn biến của bão số 4 ở từng địa bàn, thủ trưởng các đơn vị, trường học chủ động cho học sinh nghỉ học; hoãn các cuộc họp, cuộc thi, hội nghị, tập huấn chưa thực sự cấp bách; đặc biệt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên làm nhiệm vụ và học sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi văn hóa lớp 12 THPT năm học 2024-2025 đến khi kết thúc đợt thiên tai nguy hiểm.
Sáng 19-9, UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) thông tin, vừa di dời khẩn cấp 164 người dân ở nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Theo đó, các xã trên địa bàn huyện đã sơ tán 51 hộ dân với 164 nhân khẩu ở các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao về nơi trú ẩn an toàn. Cụ thể, xã Trà Mai đã sơ tán 8 hộ với hơn 20 nhân khẩu khu dân cư Tăk Ven về trú ẩn tại khu trung tâm lễ hội sâm Ngọc Linh.
Một số hộ dân dọc đường DH10 khu trung tâm hành chính Tắc Pỏ được sơ tán về Trường PTDTBT - THCS Trà Mai. Tại xã Trà Leng đã triển khai di dời 3 hộ với 10 nhân khẩu ngay trong đêm 18-9. Xã Trà Nam đã di dời 13 hộ với 35 người về nơi an toàn. Còn tại các xã Trà Vân, Trà Dơn, Trà Don cũng tiến hành sơ tán nhiều hộ dân ngay trong đêm qua để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con.
Mưa lớn cũng đã gây sạt lở taluy dương sau điểm trường Răng Chuỗi thôn 1 xã Trà Tập. Đất đá bị trôi tuột, rơi từng mảng, nước bên ngoài ép tràn cả vào phòng học. Các điểm trường Tong Pua, Lâng Loan ở thôn 3, xã Trà Cang có hiện tượng đất đá sạt phía sau, có ảnh hưởng ban đầu đến tường.
Mưa lớn cũng gây thiệt hại nhiều tuyến đường đi thôn, xã như sạt lở taluy âm tuyến đường DH3 xã Trà Cang, DH1 từ Trà Dơn đi Trà Leng, tuyến đường từ Trà Mai đi Trà Vân – Trà Vinh… Thống kê sơ bộ có 17 ngôi nhà ở bị ảnh hưởng do mưa lớn, trong đó 8 căn nhà bị đất đá sạt tràn vào nhà, 9 ngôi nhà bị nứt nền.
Hiện tại UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo cơ quan chức năng đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ di dời khẩn cấp. Đồng thời yêu cầu các xã tiếp tục kiểm tra bám sát tình hình thực tế và sẵn sàng triển khai di dời các hộ dân đến nơi an toàn nếu thấy nguy cơ sạt lở. Huyện cũng huy động gần 1.400 người từ các lực lượng để phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn để ứng phó với mưa bão.
* Trong khi đó, sáng cùng ngày, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa to đến rất to khiến việc thu hoạch lúa của bà con nông dân bị ngưng trệ.
Sau đợt mưa bão số 3, nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị gãy đổ, ngập úng gây hư hại nặng. Mấy ngày vừa qua, tranh thủ nắng lên bà con tập trung ra đồng thu hoạch lúa, “vớt vát” lúa hư hại. Tuy nhiên, từ ngày 18-9 mưa lớn trên diện rộng bắt đầu xuất hiện trở lại khiến việc thu hoạch lúa gần như bị ngừng trệ.
Tại một số xã ở huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, Triệu Sơn,… nhiều diện tích lúa chín vàng ươm trên đồng nhưng chưa thể thu hoạch. Lý do vì số diện tích lúa này còn ngập úng sau cơn bão số 3, mặt khác thiếu máy móc, nhân công thu hoạch. Nhiều nơi, lúa đã gặt về nhưng chưa kịp phơi, gặp mưa phải phủ bạt chất đống trong sân nhà, bên các tuyến đường liên thôn, liên xã.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, tính đến trước thời điểm có mưa lớn trở lại trên diện rộng (ngày 17-9), toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 70.000ha lúa trong tổng số hơn 112.200ha. Đáng chú ý, hiện vẫn còn khoảng hơn 20.000ha lúa đã chín nhưng chưa được thu hoạch do mưa lớn kéo dài.