Đình Lâm Sơn (thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) là Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh và tại đây có cây đa hơn 300 năm tuổi được công nhận cây Di sản Việt Nam năm 2014. Thế nhưng, trải qua hàng trăm năm xây dựng, tu sửa, sử dụng, ngôi đình này đang xuống cấp trầm trọng.
Cổng đình Lâm Sơn đã xuống cấp. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Những mảng tường bong tróc, nứt nẻ, mái ngói hư hỏng, đổ xuống sau những cơn bão lũ tạo khoảng rộng trống hoác. Bên trên, những đòn kèo cột bị mối mọt, nguy cơ đổ gãy. Bên ngoài, cổng đình đã rệu rã, xung quanh không có tường rào để bảo vệ di tích.
Ông Đoàn Pháp Luật, 72 tuổi, người trông nom đình Lâm Sơn, kể rằng, đình Lâm Sơn được xây dựng vào khoảng thời vua Gia Long (1802-1820), lúc đó các cụ trong 3 chi phái trong vùng sung ruộng đất cho làng để xây dựng đình, chùa.
Đình Lâm Sơn cũng là nơi phụng lĩnh 7 đạo thần sắc của các triều vua phong tặng. Trong thời gian chiến tranh, đình bị cháy, đến năm 1973 thì người dân bắt đầu sửa chữa, xây dựng lại đình.
Đình Lâm Sơn đã xuống cấp cần được tu sửa, bảo tồn giá trị văn hóa đình làng. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Ông Luật nói: “Sửa chữa xây dựng lại từ năm 1973 đến nay đúng 50 năm, đình đã xuống cấp, nguy cơ sập ngay trước mắt. Do vậy, người dân rất mong các cấp quan tâm đầu tư”.
Bên trong đình Lâm Sơn, mái ngói đã đã đổ xuống, rường cột rệu rã. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Tại huyện Nghĩa Hành còn có di tích Trụ sở Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ (tổ dân phố Phú Bình Đông, thị trấn Chợ Chùa). Nơi đây từng là nơi làm việc, đến công tác của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Phạm Văn Đồng. Có thể nhận định, Trụ sở của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ đã trở thành một di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Quảng Ngãi nói riêng, Nam Trung bộ nói chung thời kỳ đầu kháng chiến những năm 1946-1949. Di tích đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia năm 1994. Đến nay, một số hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng.
Nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước |
Theo Phòng VH-TT huyện Nghĩa Hành, trên địa bàn huyện hiện có 20 di tích, trong đó, có 5 di tích cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh. Đến nay hầu hết các di tích chưa thực hiện việc cắm mốc giới và xây dựng nội quy bảo vệ di tích.
Ngoài huyện Nghĩa Hành, các di tích tại các huyện, thành phố cũng xảy ra tình trạng xâm hại, lấn chiếm, như: Điểm khởi nghĩa Ba Tơ, người dân lấn chiếm trồng keo; Trường Lũy tại thị trấn Trà Xuân và các xã Trà Phú, Trà Sơn, Trà Bình, Trà Tân, Trà Bùi (huyện Trà Bồng) bị người dân lấn chiếm trồng keo; Di tích vụ thảm sát Tân An (huyện Mộ Đức) bị lấn chiếm đào hồ nuôi tôm; di tích thắng cảnh suối Huy Măng do phần lớn chưa có ranh giới rõ ràng nên bị người dân lấn đất…
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 250 các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…UBND tỉnh Quảng Ngãi có ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Vừa qua, Sở VH-TT-DL đã tham mưu UBND tỉnh đi khảo sát trực tiếp các di tích, trong đó một số di tích xuống cấp nghiêm trọng để có kế hoạch tôn tạo, bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn; qua đó, lưu giữ nét văn hóa truyền thống quê hương Quảng Ngãi”.