Nhà Trắng đổ lỗi cho FED
Theo báo Washington Post, một số quan chức Nhà Trắng đã lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang suy yếu nhanh hơn dự kiến, nhưng họ không lên kế hoạch chủ động để thay đổi hướng đi. Thay vì đưa ra các chính sách mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cộng sự của ông đã tấn công vào Cục Dự trữ Liên bang (FED), đổ lỗi cho FED đang bóp nghẹt sự tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng lãi suất quá nhanh nhưng giảm lại quá chậm. “Trung Quốc không phải là vấn đề của chúng ta, vấn đề của chúng ta là với FED. Tăng lãi suất quá nhiều và quá nhanh. Bây giờ cắt giảm quá chậm”, ông Donald Trump viết trên Twitter.
Theo Reuters, lãi suất trái phiếu của Mỹ giảm mạnh nhất kể từ năm 2007, nguyên nhân dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hồi năm 2008. Vì vậy, khả năng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy thoái vào năm 2020 hoàn toàn có thể xảy ra. Thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, hôm 14-8. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã giảm 800 điểm, tương đương khoảng 3% và đã mất gần 7% trong 3 tuần qua. Do chứng khoán giảm, giá dầu thô Brent cũng giảm thêm 0,6% xuống 59,12 USD/thùng, sau khi giảm 3% trước đó. Giá dầu thô Mỹ cũng giảm 0,4% ở mức 55,03 USD. Tại châu Á, chỉ số Topix của Nhật Bản đã giảm 1,9%, chỉ số S & P / ASX 200 tại Australia giảm 1,2%. Chỉ số Hang Seng và CSI 300 của Hong Kong đã giảm 0,67% và 0,91% khi mở cửa trong ngày 15-8.
Kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế hàng đầu thế giới có nhiều dấu hiệu suy thoái trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có lối ra. Hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Đức và Anh cũng có dấu hiệu giảm phát. Tăng trưởng cũng đã chậm lại ở Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Argentina đã giảm gần 50% trước khi tổng thống đương nhiệm thua trước một ứng viên cánh tả.
Nguy cơ của 5 nền kinh tế hàng đầu
Theo CNN, ngoài kinh tế Mỹ và Trung Quốc, 5 nền kinh tế trong tốp 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới là Đức, Anh, Italy, Brazil và Mexico cũng đang sụt giảm và thậm chí là suy thoái. Nền kinh tế Anh giảm trong quý 2-2019, nền kinh tế Italy không tăng. Dữ liệu được công bố hôm 14-8 cho thấy nền kinh tế Đức, lớn thứ tư thế giới, cũng giảm trong quý 2-2019. “Điểm mấu chốt là nền kinh tế Đức đang đứng trước nguy cơ suy thoái”, Andrew Kenningham, nhà kinh tế hàng đầu của châu Âu nói. Mexico vừa tránh được một cuộc suy thoái kinh tế nhưng trong quý 2-2019, tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm và nền kinh tế nước này dự kiến sẽ vẫn yếu trong năm nay. Và dữ liệu cho thấy kinh tế Brazil rơi vào suy thoái trong quý 2-2019. Ngoài ra, Singapore và Hong Kong là 2 nền kinh tế nhỏ hơn nhưng vẫn đóng vai trò là trung tâm quan trọng cho tài chính và thương mại, cũng đang bị ảnh hưởng.
Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chậm hơn ở Mỹ. Washington sẽ áp thuế mới đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 9 và tháng 12, khi đó chưa rõ nền kinh tế nước nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Quỹ tiền tệ quốc tế tháng trước đã dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 xuống còn 3,2%, tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009.
Một rủi ro lớn khác là các ngân hàng trung ương không hành động, gây ra phản ứng tiêu cực trong thị trường tài chính nuôi sống nền kinh tế thực. FED đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ám chỉ rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Áp lực cắt giảm lãi suất đang tiếp tục gia tăng với các ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới.