Nhiều đãi ngộ để thu hút giảng viên đại học

Hàng loạt cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đang tuyển dụng giảng viên có trình độ nhằm đáp ứng các tiêu chí cho chuẩn cơ sở giáo dục ĐH áp dụng trong giai đoạn 2025-2030. Nhiều trường đưa ra mức thưởng “khủng” - từ vài trăm triệu đồng đến nửa tỷ đồng - cho một ứng viên có học hàm giáo sư về giảng dạy, tham gia nghiên cứu tại trường.

Nhu cầu tuyển dụng nhiều

Đầu tháng 12-2024, UBND TP Hải Phòng đã có tờ trình về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút, đào tạo bồi dưỡng nhân lực trình độ cao cho Trường ĐH Hải Phòng giai đoạn 2024-2030.

Theo đó, địa phương này dự kiến hỗ trợ một lần đối với giảng viên là giáo sư (trong nước và ngoài thành phố) với mức 500 triệu đồng, phó giáo sư là 400 triệu đồng và tiến sĩ là 300 triệu đồng khi về công tác giảng dạy tại Trường ĐH Hải Phòng. Cũng theo tờ trình, tất cả các trường hợp được hưởng hỗ trợ phải cam kết làm việc tại trường ít nhất 5-6 năm, kể từ khi nhận hỗ trợ.

Tháng 3-2024, Trường ĐH Tài chính - Marketing công bố chính sách thu hút đặc biệt dành cho giảng viên về làm việc tại trường. Ở đợt tuyển dụng này, trường thông báo tuyển 43 ứng viên theo hình thức xét tuyển. Trong đó, 35 chỉ tiêu tuyển dụng giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên ở nhiều lĩnh vực. Nhà trường chi mức hỗ trợ thu hút một lần đối với mỗi ứng viên giáo sư từ 400-500 triệu đồng, phó giáo sư từ 200-300 triệu đồng, tiến sĩ từ 60-100 triệu đồng.

P1f.jpg
Các chuyên gia đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và phân tử - INOMAR (Đại học Quốc gia TPHCM)

Đầu năm 2024, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) công bố “Chương trình thu hút, giữ chân và phát triển 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG TPHCM - Chương trình VNU350”, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển ĐH này trở thành hệ thống ĐH nghiên cứu trong tốp đầu châu Á. Về chính sách đãi ngộ, các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ ĐHQG TPHCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng.

Theo đó, đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc, trong thời gian 2 năm đầu được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng); năm thứ ba sẽ được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng); năm thứ tư sẽ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng. Đối với các nhà khoa học đầu ngành, trong thời gian 2 năm đầu sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B, với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng; những năm tiếp theo sẽ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng và được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp...

Trong cuộc “chạy đua” này cũng có nhiều trường ĐH ngoài công lập tham gia, như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TPHCM... Những trường trên chi hàng trăm triệu đồng để thu hút các giảng viên có trình độ từ tiến sĩ trở lên để về làm việc tại trường.

Mở rộng chính sách để thu hút người tài

Theo một lãnh đạo của ĐHQG TPHCM, mục tiêu của chương trình VNU350 là thu hút người giỏi, các chuyên gia đầu ngành. Việc thu hút nhà khoa học đầu ngành là để có những nhà khoa học xuất sắc làm chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ, góp phần tạo điều kiện phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, chứ không phải hợp tác chỉ để có sản phẩm (công bố quốc tế).

Đây là chính sách thu hút để đầu tư bài bản lâu dài theo chiến lược phát triển của ĐHQG TPHCM. Vì thế, tùy từng trường hợp, ĐHQG TPHCM sẽ có cơ chế phù hợp. Vấn đề quan trọng là thực chất và đầu tư hiệu quả, không chạy theo hình thức.

P4d.jpg
Các chuyên gia làm việc tại Trung tâm Tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM)

TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết, nhà trường trả lương cho tiến sĩ (người mới) theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, tiến sĩ có khởi điểm hệ số 3.0, cộng thêm hỗ trợ 7 triệu đồng/tháng nếu có bài báo khoa học, nhận thu nhập tăng thêm khoảng 13 triệu đồng/tháng. Như vậy, một tiến sĩ mới ra trường có thu nhập hơn 25 triệu đồng/tháng.

Đối với tiến sĩ thuộc diện thu hút (trường mời về) sẽ nhận mức thưởng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, để thu hút, giữ chân các giảng viên, nhà khoa học thì cần phải có nhiều chính sách. Trước khi về trường, họ sẽ xem nhà trường có định hướng như thế nào, điều kiện làm việc ra sao... để họ có thể phát huy hết năng lực của mình.

PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang (ĐHQG TPHCM), cho hay, trước đây, khi trường chưa sáp nhập về ĐHQG TPHCM, tỉnh An Giang cũng có đề án đào tạo nhân lực trình độ cao bằng việc tài trợ kinh phí cho đi học, nhưng chỉ có một người tham gia, và học xong cũng không quay về. Bài toán nhân lực trình độ cao ở các địa phương và các trường ĐH địa phương đang rất khó có lời giải.

Thực hiện chương trình VNU350, nhà trường thưởng 60 triệu đồng cho một giảng viên. Tuy nhiên, để thu hút họ về trường công tác thì chắc chắn nhà trường phải cam kết cụ thể bằng nhiều điều kiện kèm theo, chứ chỉ riêng tiền thưởng thì chưa đủ sức hút với các ứng viên.

* TS THÁI DOÃN THANH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TPHCM:

Nhiều chính sách để tạo sức hút

Mỗi cơ sở đào tạo đều có định hướng phát triển (theo hướng ứng dụng, nghiên cứu) nên các chính sách đưa ra cũng mang tính riêng của từng đơn vị. Mặc dù tiền lương và các phúc lợi vật chất quan trọng, nhưng những yếu tố khác cũng quan trọng không kém, như môi trường làm việc, cơ chế hỗ trợ và khuyến khích để họ có cơ hội phát triển, thăng tiến trong nghề nghiệp; cung cấp nguồn lực, hỗ trợ cho việc thực hiện nghiên cứu và phát triển cá nhân trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Đây là cuộc chạy đua cạnh tranh, thu hút chất xám nên tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Nếu chỉ đơn thuần đẩy cao các mức thưởng nhằm tuyển cho đủ người rồi để họ tự “bơi” thì sớm muộn gì các ứng viên sẽ rời đi.

* PGS-TS NGUYỄN THANH BÌNH, Trưởng bộ môn Ứng dụng tin học (Khoa Toán - Tin học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM):

Cần môi trường làm việc tốt

Tôi hoàn thành tiến sĩ năm 2013 tại Pháp và sau đó quyết định trở về Việt Nam làm việc. Trong 4 năm đầu, tôi gặp khá nhiều khó khăn, như lương thấp, xin kinh phí cấp tài trợ cho nghiên cứu rất khó... Một thời gian sau, tôi thấy môi trường làm việc tốt hơn. Nhiều nhà giáo, nhà khoa học giỏi, sinh viên chịu khó học hỏi, được hỗ trợ chính sách nghiên cứu, được thầy cô động viên, ủng hộ…

Dần dần, tôi đã có những thành tích trong công tác: công bố hơn 50 bài báo khoa học, đoạt giải thưởng Quả cầu vàng của Bộ KH-CN năm 2021, được trao Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo, giải thưởng Thanh niên tiêu biểu… Chắc chắn dù không thể so sánh với thu nhập ở nước ngoài, nhưng với những thay đổi tích cực về môi trường làm việc, chính sách thu nhập, nhà khoa học được hỗ trợ rất nhiều để có điều kiện làm việc tốt hơn tại trường.

* GS-TS THÁI KHẮC MINH, Trưởng Khoa Dược, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe (ĐHQG TPHCM):

Kinh phí nghiên cứu khoa học đóng vai trò quan trọng

Tham gia tuyển dụng chương trình VNU350, tôi từ Trường ĐH Y Dược TPHCM về Trường ĐH Khoa học Sức khỏe là một quyết định mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp. Tôi tin rằng đây là cơ hội để tôi góp phần vào sự phát triển của ĐHQG TPHCM, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học sức khỏe.

Chương trình không chỉ hỗ trợ về mặt nghiên cứu mà còn giúp tôi phát triển các dự án dài hạn, tạo điều kiện tốt nhất cho việc thành lập nhóm nghiên cứu mạnh và xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại. Từ đó, tôi mong muốn góp phần nâng cao vị thế của ngành dược Việt Nam.

Theo tôi, nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn và tiềm năng ứng dụng cao, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và hiệu quả của các nghiên cứu. Việc sử dụng nguồn kinh phí này sẽ được thực hiện một cách thận trọng và có trách nhiệm, tập trung vào các mục tiêu cụ thể như phát triển phòng thí nghiệm hiện đại, thúc đẩy những nghiên cứu có tính ứng dụng cao, xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh. Đây là bước đầu tư dài hạn cho sự phát triển của ngành dược Việt Nam.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục