Về để bảo đảm an ninh, an toàn cho các hội nghị, lễ hội, sự kiện quan trọng do địa phương tổ chức cần áp dụng biện pháp cảnh vệ, dự thảo luật đã bổ sung quy định: "Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ" (Điểm h, Khoản 3, Điều 1).
Góp ý về dự thảo, ĐB Lê Nhật Thành (Hà Nội) cho rằng dự án luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua. ĐB hoàn toàn tán thành quy định này và nói thêm công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Ngoài bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế. Để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo luật đã giới hạn rõ các trường hợp cấp thiết mà Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi "bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại".
Cùng quan điểm, ĐB Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) lưu ý thêm, quy định trong dự thảo về thuê trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện, lực lượng cảnh vệ khi đối tượng cảnh vệ đi công tác nước ngoài là cần thiết, nhưng cần cụ thể hơn, xem xét sự phù hợp với các quy định về sử dụng ngân sách nhà nước.
Trước đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo gửi Quốc hội về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại tổ về nội dung này.
Báo cáo này nêu rõ, quá trình thảo luận tại tổ, bên cạnh việc bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và trường hợp cần thiết, có thể ủy quyền cho cấp phó để có sự linh hoạt trong áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ Công an giải thích, công tác cảnh vệ của lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng áp dụng đối tượng cảnh vệ trong phạm vi không phát sinh tình huống cấp thiết cần phải giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ. Mặt khác, Bộ Quốc phòng cũng không đề xuất bổ sung quy định nêu trên vào dự thảo luật.
Riêng việc ủy quyền cho cấp phó để có sự linh hoạt trong áp dụng pháp luật, Bộ Công an sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu tiếp thu và bổ sung quy định vào dự thảo luật.
Từ ngày 1-7-2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ đối với 56 đoàn không thuộc đối tượng cảnh vệ để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra. Thực tiễn thực hiện thời gian qua chưa xảy ra vấn đề lạm quyền, không phát sinh biên chế hoặc nguồn lực tài chính.