Lưu ý đến nội dung tích hợp các loại giấy tờ thủ tục hành chính trong một giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, do còn có những ý kiến khác nhau, dự thảo trình 2 phương án.
Phương án 1 (phương án Chính phủ trình): Chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính (TTHC) cấp phép về môi trường. Đồng thời quy định trong nội dung giấy phép môi trường (GPMT) đối với trường hợp có xả nước thải vào công trình thủy lợi phải có các yêu cầu bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.
Phương án 2 là tiếp tục duy trì giấy phép “Xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (năm 2017) và đang được triển khai thực hiện. Theo tinh thần của Luật Thủy lợi, việc bảo đảm chất lượng nước cấp là vấn đề quyết định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi sẽ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xả nước thải vào công trình thủy lợi. Bảo vệ chất lượng nước không chỉ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn cho dịch vụ, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân…
Phát biểu tại phiên họp, nhiều ĐBQH tán thành phương án 1. ĐB Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) nhận định, việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào giấy phép môi trường là phù hợp với cách thức quản lý tài nguyên nước tổng hợp – xu thế mới và tiến bộ. Các giấy phép hiện nay được cấp trên cơ sở Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), có những tiêu chí tương đồng, tránh được tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) có cùng quan điểm này khi cho rằng phương án 1 sẽ giải quyết được nhiều vấn đề. Các loại Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước hoặc Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều được cấp dựa trên báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt, kết quả vận hành công trình bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép này cơ bản giống nhau.
Cũng theo ĐB, công trình thủy lợi là một bộ phận cấu thành của mạng lưới tài nguyên nước; việc quy định nhiều cơ quan cấp phép xả thải như hiện nay không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp, một việc được giao nhiều cơ quan thực hiện sẽ gây chồng chéo, khi xảy ra ô nhiễm thì khó phân định rạch ròi trách nhiệm.
“Giải pháp tích hợp thể hiện tốt tinh thần cải cách hành chính, rõ trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, cần hướng dẫn rõ hơn chức năng các bộ để thực hiện. Bên cạnh đó, Luật cần minh bạch hoá việc lập và phê duyệt Báo cáo ĐTM. Tôi từng nghe các doanh nghiệp mách nhau là nếu thuê chính cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt làm ĐTM thì được thông qua rất nhanh”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương phát biểu. |
Một nội dung khác cũng được nhiều ĐB lưu ý là vấn đề quản lý chất thải. Dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại cơ bản và căn cứ điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác như tại Điều 76; giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại, hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh tại khoản 5 Điều 80.
Về lộ trình thực hiện, giao UBND cấp tỉnh ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý; quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN); quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 1-1-2025 như tại khoản 6 Điều 80 Dự thảo Luật.
Đồng tình với nội dung này, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vĩnh Tàu) nhìn nhận, tuy đây là việc làm khó, vì phải thay đổi thói quen, tập quán của đông đảo người dân, nhưng rất cần tập trung thực hiện, vì đó là xu hướng tất yếu của một quốc gia tiên tiến, văn minh. Do đó, cần quy định rõ vào Luật.